Hơn 16 năm nhân giống tạo đàn
Ông Hồ Văn Trung (thôn Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành) là người đầu tiên nuôi và nhân giống chồn hương. Cách đây 16 năm trước, ông Trung có bắt được 2 con chồn hương ở rừng, ông thử nuôi như “thú cưng”. Tuy nhiên, việc nuôi động vật hoang dã gặp nhiều khó khăn, có lúc thất bại do chồn hương bị lạnh, dịch bệnh chết.
Ông quyết tâm nghiên cứu bằng quan sát chồn hương sống bên ngoài thiên nhiên và phát hiện chồn hương có đặc điểm ăn vào ban đêm và ngủ ban ngày. “Những năm đó, vẫn chưa có ai nuôi chồn hương để tôi học hỏi. Nhiều người nói rằng chồn hương đem về nhà nuôi sẽ không sinh sản được, nhưng tôi thuần hóa, chăm sóc và kết quả nhiều năm liên tục, chồn hương đẻ con giống mới”, ông nói.
Từ cặp chồn hương hoang dã, ông Trung đã lai tạo, nhân giống và mỗi năm đều sinh sản lứa mới, hiện trại của ông Trung có hơn 117 con chồn hương đang nuôi và đều có mã số trại nuôi đăng ký.
Ông Hồ Văn Trung (thôn Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) là người đầu tiên nuôi cầy vòi hương (chồn hương) và giúp nhiều người dân trong xã cùng nuôi. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Cách ông Trung nuôi chồn hương rất độc đáo, vốn chồn hương quen ăn trái cây rừng, nhưng ông Trung đã thuần hóa và cho chồn hương ăn “cháo cá”. Mỗi ngày, ông Trung đều nấu cháo cá cho chồn hương. Ban đầu, ông dặm thêm một ít chuối, mít vào cháo cá, về sau chỉ cho ăn cháo cá theo bữa, còn lúc nhàn rỗi có thể cho ăn thêm mít, chuối. Ông nói: “Trung bình mỗi con chỉ ăn khoảng 3.000 đồng/bữa/ngày, nhưng hiệu quả nuôi thương phẩm rất cao, trong đó gia tăng đàn nuôi nhờ sinh sản”.
Ông Trung cho biết: “Để chồn hương sinh sản và phát triển thì chỉ có nuôi, thuần hóa và lai tạo liên tục từ trong chính trại ra”. Chồn hương có đặc điểm là khi chồn mẹ đang trong giai đoạn nuôi con, nếu có tiếng ồn, người qua lại nhiều thì chồn mẹ tha con đem giấu trong tổ, làm trầy xước, nhiễm trùng, thậm chí gây chết con, hoặc chồn mẹ ăn con. Do vậy, khi tới mùa sinh sản, ông Trung đặc biệt không để người lạ vào khu vực trại nuôi.
Chồn hương được thuần hóa rất dạn dĩ khi tiếp xúc với người. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Trung bình mỗi con chồn hương sinh sản 2 lứa/năm, mỗi lứa từ 4-6 con. Ông Trung cho biết: “Trung bình nếu 1 con chồn hương cái tham gia sinh sản và có 3-6 con giống thì trong 1 năm có thể mang lại thu nhập 20 triệu đồng từ việc bán con giống và xuất thương phẩm”. Hiện tại, đối với chồn hương nuôi thương phẩm, trọng lượng đạt từ 3kg/con trở lên, bình quân giá bán 1,7 triệu/kg hơi.
Ông Trung cho biết: “Tôi đang hướng tới nuôi chồn hương để thu cà phê chồn và lấy xạ hương kết hợp phát triển du lịch thăm quan. Đây là cách tăng đàn chồn hương để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với bán thương phẩm, con giống”.
Cùng tham gia nuôi chồn hương
Mô hình nuôi chồn hương của ông Trung mang lại nguồn thu nhập khá đã lan rộng ra nhiều hộ xung quanh xã Hành Thiện, nhiều người đến nhà ông Trung để lấy con giống về lai tạo, nhân giống.
Ông Hồ Duy Quang (thôn Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện), cho biết: “Thấy ông Trung nuôi hiệu quả nên tôi cũng mua con giống về tạo đàn. Sau hơn 2 năm, từ 2 cặp giống đã lên 17 con”.
Ông Quang đang vệ sinh chuồng trại nuôi. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Đến nay, có 36 hộ dân tham gia nuôi chồn hương với tổng đàn 273 con, trong đó con cái sinh sản là 182 con, con đực giống 91 con. Hiện nay, người nuôi chủ yếu tập trung sản xuất giống sinh sản, mỗi năm chồn hương đẻ 2 lứa/năm, mỗi lứa trung bình 3 con. Từ số lượng con chồn hương sinh ra sẽ chọn lọc làm giống đạt 60% trở lên.
Các hộ nuôi chồn hương tại xã Hành Thiện đã chính thức thành lập Hợp tác xã nông nghiệp chăn nuôi cầy vòi hương (chồn hương) Thiện Phát với 36 hộ cùng tham gia. Đồng thời, hoàn thành các thủ tục đối với các hộ nuôi mới có mã số trại nuôi, các giấy phép, thủ tục đăng ký nuôi do Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi cấp.
Ông Trung cho biết: “Đến sau mùa sinh sản, số lượng con giống được sinh ra và lượng chồn hương được nuôi trong trại đều phải ghi chép tăng hoặc giảm đàn, chốt sổ để báo cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh, vì vậy, khi mỗi con chồn hương bán thành phẩm cũng kèm theo thông tin xuất xứ nguồn gốc rõ ràng”.
Bà Phạm Thị Bích Hoa, Chủ tịch UBND xã Hành Thiện, cho biết: “Việc cấp mã số, đăng ký với kiểm lâm sẽ giúp người dân địa phương an tâm nuôi chồn hương. Từ một số hộ nuôi chồn hương mang lại hiệu quả đã khuyến khích nhiều người dân mạnh dạn đầu tư chuồng trại. Hiện nhu cầu tiêu thụ chồn hương rất lớn nhưng số lượng chồn hương thương phẩm trên địa phương rất ít, do vậy, các hộ đã nuôi trước cần truyền đạt kinh nghiệm và phân phối con giống cho các hộ mới bắt đầu nuôi, từ đó tăng đàn cùng nhau phát triển kinh tế”.