Quảng Trị: Bệnh lạ ở Đakrông?

BS Trịnh Tất Thắng,Giám đốc BV Tâm thần TPHCM: Nhiều khả năng bị Hystric

Như báo SGGP 12G đã thông tin ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú Đakrông (Quảng Trị), nhiều ngày qua đã xuất hiện một căn bệnh kỳ lạ, làm hơn 40 nữ sinh bỗng la hét, đập phá. Ngành y tế địa phương đã vào cuộc, nhưng chưa tìm ra nguyên nhân cũng như tên của căn bệnh nói trên…

Chuyện có thật

Cả ngày 28-2 và nhiều ngày trước ở ngôi trường kể trên, có hơn 40 nữ sinh đang trong giờ học, đột nhiên đứng lên bàn, la hét, đập phá và chạy vào rừng. Khi các học sinh nam và giáo viên dìu các bạn nữ vào phòng nội trú, các em này dùng dây cột chặt cửa lại, không cho người ngoài vào.

Sợ xảy ra tình huống xấu, một giáo viên đã phải đập cửa kính để vào bên trong chăm sóc sức khỏe cho các em. Tuy nhiên, những học sinh này liền ném sách vở và các vật dụng khác vào người giáo viên và lấy chăn trùm kín mặt, la hét kinh hoàng.
 
Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Hồ Viết Hạnh, Hiệu phó nhà trường cho biết, trường có 7 lớp học (hai lớp 6, hai lớp 7, hai lớp 8 và một lớp 9), với tổng cộng 214 học sinh. Hiện tượng hàng loạt học sinh nữ mắc chứng bệnh trên xảy ra vào cuối tháng 12 năm 2007.

Cần nói thêm, cách đây 6 năm, bệnh trên từng xảy ra ở ngôi trường này. Cụ thể, các học sinh nữ đang ngồi học, đột nhiên kêu đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, rồi khóc, cười bất thường; một lúc sau thì nhảy lên bàn, khoa chân, múa tay, đập phá rồi chạy vào rừng sâu.

Đáng chú ý, các em này chỉ nói hai thứ tiếng Vân Kiều và Pa Cô, phản ứng kịch liệt khi thầy, cô giáo đến hỏi han, chăm sóc và rất sợ màu đỏ.
 
Theo ghi nhận của chúng tôi, Trường Phổ thông nội trú Đakrông nằm giữa một khu đất trũng, dựa lưng vào núi, thuộc khóm 3, làng Cát, cách thị trấn Krông Klang chừng 400m. Được biết, khu vực xây dựng trường trước đây là đồng ruộng, khi xây dựng, đơn vị chức năng liên quan đã cho ủi một phần quả núi có tên gọi là núi Mù Thu để lấp phần ruộng nói trên cho bằng phẳng, đồng thời nâng cao mặt bằng, tránh lũ lụt.

Nhiều người đã lý giải nguồn gốc căn bệnh trên theo hướng mê tín. Có người còn kể năm 2004, ông Hà Văn Toàn, nhân viên bảo vệ trường bỗng dưng té từ tầng 2 của ngôi trường xuống đất và chết(!). Nhưng theo xác minh của Công an huyện Đakrông, ông Toàn thường ngủ ở dãy nhà trệt, có lan can phía trước.

Sở dĩ ông Toàn bị ngã là do đêm đó ngủ chung với các giáo viên ở phòng 18, tầng 2, đến lúc đi tiểu cứ ngỡ ở dãy nhà trệt, nên theo thói quen vượt lan can để đi ra ngoài, dẫn đến ngã.

Chưa có giải pháp!

Trở lại chuyện các nữ sinh ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú Đakrông bị mắc bệnh lạ, thầy giáo Hồ Văn Hạnh, Hiệu phó nhà trường, cho biết đã nhiều lần đưa các em vào Bệnh viện Đa khoa huyện khám, nhưng các y, bác sĩ ở đây không xác định được tên bệnh, cũng như không tìm ra nguyên nhân gây bệnh.

Sau những lần như vậy, các thầy, cô giáo và học sinh nam đưa các nữ sinh bị bệnh về nhà nghỉ ngơi. Điều lạ, khi về đến nhà một lúc sau thì các em khỏi bệnh. Hỏi lúc phát bệnh, các nữ sinh trên nói gì thì được nhiều học sinh ở đây cho biết, “các bạn ấy nói có một ông già sau núi đòi bóp cổ, lúc bị đau dường như có người khác điều khiển dẫn đến không làm chủ được hành vi” (?!).

Cô giáo Trương Thị Thùy Linh, chủ nhiệm lớp 6 cho biết: “Có một điều rất khó lý giải khi các em lên cơn thì chỉ dìu các em đó ra khỏi cổng trường thì lập tức các em đó trở lại trạng thái bình thường nhưng vào lại lớp thì lại lên cơn”. Ông Hồ Văn Vinh, Trưởng thôn cho biết thêm, “sau khi bệnh lạ này xuất hiện trở lại thì nhiều bậc phụ huynh đã lo ngại cho con em mình nên đã đến trường xin đưa con về”.

 

BS Trịnh Tất Thắng,Giám đốc BV Tâm thần TPHCM: Nhiều khả năng bị Hystric

Qua những triệu chứng trên có thể chẩn đoán, đây là phản ứng dây chuyền của Hystric. Bệnh xuất hiện ở 1 trẻ do căng thẳng thần kinh (học nhiều) hay do yếu tố thần bí, hoang tưởng. Sau đó lan nhanh cả nhóm. Để điều trị bệnh này cần cho trẻ yên tĩnh nghỉ ngơi, tiếp xúc nhỏ nhẹ, trao đổi với trẻ, giải thích và gạt bỏ những yếu tố tâm linh (nếu có).
 

Võ Linh

Tin cùng chuyên mục