
Kỳ họp Quốc hội thứ 7 sẽ bế mạc vào ngày 24-6. Trước tình hình cấp thiết hiện nay khi Trung Quốc có sự dịch chuyển của các giàn khoan (ngoài giàn khoan Hải Dương-981 đã hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam), ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đã đề nghị Quốc hội phải có tuyên bố hoặc nghị quyết chính thức về vấn đề biển Đông. PV Báo SGGP ghi nhận một số ý kiến.
* Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội TRẦN VĂN HẰNG: Quốc hội đã có phản ứng phù hợp về vấn đề biển Đông

Đại biếu QH Trần Văn Hằng
Thể theo nguyện vọng của cử tri thì ngay trong lời phát biểu khai mạc kỳ họp của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, đặc biệt là thông cáo số 2 của kỳ họp là một hình thức tuyên bố mạnh nhất, thể hiện thái độ quyết liệt và rõ ràng của Quốc hội Việt Nam đối với việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Và mới đây, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã có thông báo về vấn đề này gửi đến nghị viện tất cả các nước trên thế giới. Các đại sứ của ta cũng tiếp cận các nghị viện, trao công hàm, chuyển thư và nghị viện các nước cũng lên tiếng ủng hộ Việt Nam. Vì vậy, tôi cho rằng, về vấn đề biển Đông, Quốc hội đã có phản ứng rất kịp thời, mạnh mẽ. Tôi cũng cho rằng như thế là phù hợp. Còn bây giờ, chúng ta phải tiếp tục theo dõi, tiếp tục đấu tranh cả trên mặt trận ngoại giao lẫn thực địa; tiếp tục vận động quốc tế ủng hộ và chúng ta cũng không loại trừ việc chuẩn bị các cơ sở pháp lý để đấu tranh. Tại cuộc làm việc với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì chúng ta cũng đã nêu vấn đề này và thể hiện lập trường trước sau như một về vấn đề chủ quyền ở Hoàng Sa.
Hiện nay, hàng ngày các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam trên thực địa vẫn duy trì việc bảo vệ chủ quyền, các hoạt động đấu tranh hòa bình vẫn tiếp diễn và tình hình thực tế cho thấy họ cũng có sự điều chỉnh. Vì vậy tôi thấy rằng Quốc hội chưa cần thiết phải ra một nghị quyết hay tuyên bố về vấn đề biển Đông, cũng như không cần thiết điều chỉnh tăng thêm thời gian để Quốc hội bàn về vấn đề biển Đông.
* Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội LÊ NHƯ TIẾN: Nếu Quốc hội ra tuyên bố thì có tính pháp lý cao hơn
Tôi và nhiều ĐBQH ủng hộ đề nghị của ông Trương Trọng Nghĩa về việc Quốc hội nên ra nghị quyết về biển Đông thì có tính pháp lý cao hơn. Nếu chưa cần thiết ra nghị quyết thì tôi cho rằng Quốc hội ra tuyên bố về vấn đề biển Đông cũng là một phương án phù hợp. Ra tuyên bố thể hiện được ý chí của ĐBQH, cũng là tỏ thái độ mạnh mẽ hơn của Quốc hội về vấn đề mà nhân dân đang quan tâm. Tuyên bố sẽ thể hiện được tinh thần phản đối hành vi của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981; đồng thời đề nghị nghị viện các nước, các nghị sĩ trên thế giới ủng hộ Việt Nam trên lập trường chính nghĩa. Tất nhiên, để có tuyên bố hay không thì phụ thuộc vào ý chí của toàn thể Quốc hội. Với đề nghị của ĐB Trương Trọng Nghĩa, tôi cho rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có giải trình trước Quốc hội.
* Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội ĐINH XUÂN THẢO: Kiên trì biện pháp đấu tranh thông qua con đường ngoại giao
Ngay từ đầu Quốc hội đã thảo luận, đã thể hiện ý chí của Quốc hội qua thông cáo số 2. Trong vấn đề biển Đông hiện nay, chúng ta vẫn chủ trương các biện pháp đấu tranh hòa bình, ngoại giao, vì vậy kể cả chưa có nghị quyết của Quốc hội thì chúng ta vẫn đang tiến hành các biện pháp đấu tranh đó. Đảng, Chính phủ đã thể hiện quan điểm rất rõ về vấn đề biển Đông. Còn các vấn đề cụ thể liên quan như hỗ trợ cho ngư dân, cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư thì Quốc hội đã quyết rồi. Quốc hội cũng đã nêu rõ điều quan trọng nhất về kinh tế là chúng ta phải chủ động, không để phụ thuộc quá nhiều vào một đối tác nào.
Về biện pháp đấu tranh pháp lý là khởi kiện, đó là biện pháp cuối cùng của biện pháp đấu tranh hòa bình. Khi đã kiện rồi thì không gian cho việc đàm phán, đấu tranh bằng con đường ngoại giao sẽ hẹp lại rất nhiều. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta vẫn đang kiên trì biện pháp đấu tranh thông qua con đường ngoại giao. Đây là cuộc đấu tranh đòi hỏi kiên trì, không phải ngày một ngày hai.
PHAN THẢO ghi