Quốc hội chất vấn các thành viên chính phủ

Hôm qua, 22-11, Quốc hội bắt đầu chương trình chất vấn các thành viên Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu là 2 thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Quốc hội chất vấn các thành viên chính phủ

Hôm qua, 22-11, Quốc hội bắt đầu chương trình chất vấn các thành viên Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu là 2 thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng    Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu

Bộ trưởng Bộ Công thương VŨ HUY HOÀNG:
Lũ lụt có nguyên nhân từ thủy điện

  • Thủy điện có “vô can” với lũ lụt?

Có 3 nhóm vấn đề được các đại biểu quan tâm chất vấn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng là điện, điều hành xuất nhập khẩu và dự án bauxite Tây Nguyên.

Tại kỳ họp lần này, Quốc hội đã nhận được 228 chất vấn của 92 đại biểu Quốc hội (tính đến hết ngày 20-11), trong đó Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng nhận được nhiều chất vấn nhất (38 chất vấn), Thủ tướng Chính phủ nhận được 26 chất vấn… Là người đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, đến buổi tối qua ông đã nhận được 42 chất vấn.

Đến từ tỉnh Ninh Thuận, nơi vừa bị ảnh hưởng khá nặng nề từ đợt lũ dữ vừa qua, đại biểu Đặng Thị Mỹ Hương cho biết cử tri rất bức xúc khi cho rằng, việc một số nhà máy thủy điện xả lũ là một trong những nguyên nhân khiến lũ lụt gây hậu quả nặng nề tại các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, trong văn bản trả lời đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương lại nói khá chung chung như thể việc xả lũ của các nhà máy thủy điện là “vô can”. “Bộ trưởng trả lời như vậy là rất khó thuyết phục” - đại biểu Đặng Thị Mỹ Hương nói.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lên tiếng “xin lỗi đại biểu Đặng Thị Mỹ Hương” và khẳng định: “Tôi chưa hề có trả lời nào bằng văn bản về sự không liên quan của thủy điện nhỏ tới lũ lụt”. Bộ trưởng cho biết, vừa qua Thủ tướng đã ban hành văn bản về quy trình vận hành liên hồ chứa, trong đó việc xả lũ của các nhà máy thủy điện. Tuy nhiên, vừa qua một số công trình thủy điện không thực hiện đúng quy trình này, chẳng hạn như thủy điện Sông Ba Hạ, thủy điện Hố Hô. Nếu các nhà máy thủy điện tuân thủ đúng quy trình thì có thể hạn chế tối đa được tác động của thủy điện đến lũ lụt.

Đáp lời Bộ trưởng, đại biểu Đặng Thị Mỹ Hương dẫn công văn số 1182 của Bộ Công thương vừa ký ngày 20-11-2010 không hề nói việc xả lũ của các nhà máy thủy điện làm tăng lũ: “Vậy chính kiến của Bộ trưởng về việc hỗ trợ người dân bị thiệt hại bởi lũ lụt vừa qua như thế nào?”. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận: “Tình trạng lũ lụt vừa qua phần nào có nguyên nhân từ thủy điện”, và những người dân bị thiệt hại cần được hỗ trợ. Ngoài việc hỗ trợ của nhà nước, các nhà máy thủy điện xả lũ không đúng quy định cần có trách nhiệm trong việc này.

Thế nhưng, đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) đặt vấn đề: “Cách đây 1 năm tôi đã đề nghị cần điều tra độc lập về tác động của phát triển thủy điện đối với lũ lụt, nhưng tới nay vẫn không làm thì lấy gì làm cơ sở để đền bù hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại?”. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, vừa qua ngoài Bộ Công thương còn có nhiều cấp, nhiều ngành, giới nghiên cứu tham gia đánh giá tác động của thủy điện đối với lũ lụt: “Thời gian tới chúng tôi sẽ chủ động hơn trong việc mời các cơ quan tham gia đánh giá, phản biện về vấn đề này”.

  • Thiếu điện do thiếu vốn?

Liên quan đến vấn đề điện, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị làm rõ nguyên nhân tại sao đến nay nước ta vẫn thiếu điện trầm trọng, giải pháp khắc phục sắp tới ra sao?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, tình trạng thiếu điện trên phạm vi rộng trong mùa khô vừa qua có nguyên nhân từ việc chúng ta chưa thực hiện được đầy đủ các mục tiêu đã đề ra trong Tổng sơ đồ điện 6. Quy hoạch này đặt mục tiêu đến năm 2015 các nhà máy điện của Việt Nam sẽ đạt công suất 50.000 MW, nhưng dự kiến đến hết năm 2010 mới đạt được khoảng 20.990 MW, nghĩa là mục tiêu 50.000 MW sẽ khó có thể thực hiện được. Lý do là hiện nay có không ít dự án điện bị chậm tiến độ do gặp khó khăn về thu xếp vốn. Một số dự án nhiệt điện đã đi vào hoạt động nhưng chưa ổn định, trong khi thiên tai hạn hán kéo dài ảnh hưởng tới hoạt động của các nhà máy thủy điện.

Đường sắt Bắc - Nam đoạn qua miền Trung bị phá hủy bởi lũ lụt. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Đường sắt Bắc - Nam đoạn qua miền Trung bị phá hủy bởi lũ lụt. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Được mời phát biểu liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc cho rằng, vấn đề vướng mắc lớn nhất là các nhà máy nhiệt điện bị chậm tiến độ, đều do vấn đề kỹ thuật. Việc này có nguyên nhân từ việc năng lực nhà thầu yếu, do chủ đầu tư năng lực cũng yếu nên khi chấm thầu về kỹ thuật không chọn được nhà thầu tốt nhất.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) đề nghị làm rõ việc hiện nay có thông tin nhiều nhà máy nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc thực hiện theo hình thức EPC đã mang công nghệ lạc hậu vào Việt Nam? Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói ông “chưa nghe thông tin chính thức” về việc này. Các dự án nhiệt điện đều được đấu thầu cạnh tranh cả về kỹ thuật và giá. Tuy nhiên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận có một số khiếm khuyết về kỹ thuật, nhưng chỉ là ở các thiết bị phụ và việc này đã được chỉ đạo để khắc phục.

Được mời phát biểu thêm về vấn đề này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải với tư cách là một thành viên Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước về Tổng quy hoạch điện 6 đã thẳng thắn nhận trách nhiệm về việc để xảy ra tình trạng thiếu điện thời gian qua.

Về những giải pháp khắc phục, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, trước mắt cần tập trung tháo gỡ vướng mắc cho các công trình hiện đang thi công. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy các dự án kêu gọi đầu tư trong nước và nước ngoài cho việc phát triển điện. Một giải pháp cũng cần phải sớm triển khai là tái cơ cấu ngành điện. “Nếu chúng ta không thực hiện thị trường hóa về giá năng lượng, thì sẽ không cách gì có đủ năng lượng cho quốc gia” - Phó Thủ tướng nói.

  • Yên tâm với tính an toàn của dự án bauxite

Một vấn đề được dư luận đang hết sức quan tâm trong phiên chất vấn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng là dự án bauxite Tây Nguyên. Đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) hỏi: “Khai thác bauxite chỉ có hiệu quả khi làm ở nơi thừa nước và thừa điện, nhưng dường như Chính phủ đang làm ngược lại?”. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Khi xây dựng dự án, địa điểm làm nhà máy đã được cân nhắc kỹ. Nếu thuần túy chỉ tính hiệu quả kinh tế thì làm gần biển sẽ tốt hơn, nhưng dự án này được xem xét trên cơ sở hiệu quả tổng hợp về kinh tế - xã hội, nên đã quyết định đặt ở Tây Nguyên.

Bộ trưởng cũng khẳng định đã tính toán các hồ chứa ở khu vực đặt nhà máy nên sẽ không thiếu nước. Còn thiếu điện, dù nhà máy đặt ở đâu vẫn là vấn đề khó khăn. Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắc Nông) thì chưa yên tâm bởi hồ chứa bùn đỏ ở trên cao, độc tính bùn đỏ rất lớn, “ngửi phải hơi đã có thể gây ung thư”. Vì vậy, ông yêu cầu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết rõ hơn về khâu chống thấm cũng như cách xử lý, trung hòa pH trong dung dịch bùn đỏ sao cho đảm bảo an toàn:

“Làm sao bảo đảm được an toàn cho quá trình vận chuyển khối lượng dung dịch có pH cao hơn 11%-13%, dung dịch này có ăn mòn các đường ống dẫn hay không?”. Câu hỏi này buộc Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng xin khất bởi mang tính kỹ thuật: “Tôi xin trả lời cụ thể đại biểu sau, sau khi tham khảo ý kiến các chuyên gia”.

Để giải đáp vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên được mời tham gia “chia lửa”. Theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, một đoàn khảo sát của Việt Nam vừa kết thúc chuyến thăm Hungary để tìm hiểu các vấn đề liên quan đến sự cố bùn đỏ. Cụ thể, đoàn khảo sát để kiểm tra và tìm hiểu các vấn đề liên quan đến sự cố Hungary dưới nhiều khía cạnh như công nghệ, quá trình xây dựng, bể chứa bùn, kinh nghiệm xử lý sự cố.

Kết quả cho thấy, công nghệ xây dựng hồ chứa bùn đỏ tại Hungary là của những năm 1942, các hồ chứa bùn đỏ của Hungary được xây dựng trên hệ thống đất yếu, thành xây bằng bê tông xỉ, không làm móng của thời những năm 1942... nên nguy cơ mất an toàn cao, trong khi Việt Nam lựa chọn giải pháp công nghệ tiên tiến với độ thẩm thấu tốt qua 5 lớp vật liệu, nên áp lực đối với bể chứa của Việt Nam giảm tới 4 lần so với công trình của Hungary. 

GS-VS Đặng Vũ Minh, Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT của Quốc hội sau chuyến làm việc tại dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên đã nhận định, với địa thế như vậy, nếu chủ đầu tư dự án thực hiện đúng theo cam kết và phương án đã đặt ra sẽ không có vấn đề gì xảy ra

BẢO MINH

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu:
Cố gắng giảm tải bệnh viện

Bên cạnh 16 chất vấn bằng văn bản, 12 trong số 17 ĐBQH đăng ký đã nêu câu hỏi trực tiếp tại hội trường chiều qua, 22-11, đã chứng tỏ sự quan tâm sâu sắc của QH đối với lĩnh vực y tế trong phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu.

  • Giá thuốc tăng: Không phổ biến nhưng rất bức xúc!

Liên quan đến câu hỏi của ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) về vấn đề giá thuốc, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho biết, hiện có tới 95% số thuốc cơ bản thông thường trong danh mục (khoảng 21.000 mặt hàng) đã được quản lý, đảm bảo giá cả ổn định và số lượng đủ cung ứng. Nhìn chung, mức độ tăng giá thuốc thấp hơn mặt bằng tăng giá chung. Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế công nhận, có khoảng 5% số mặt hàng, chủ yếu là thuốc mới, thuốc trong thời hạn được bảo hộ độc quyền, thuốc hiếm... có biến động giá mạnh và thường xuyên.

Theo Báo cáo trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Y tế, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này tập trung điều chỉnh khung giá đã ban hành năm 1995 của khoảng 350/3.000 dịch vụ đang được các bệnh viện thực hiện.

Cách tính vẫn trên nguyên tắc thu một phần viện phí. Các khoản do ngân sách nhà nước đầu tư thì không tính vào giá dịch vụ và không thu phí.

Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này không ảnh hưởng nhiều đến đời sống và thu nhập của các tầng lớp nhân dân.

Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và đặc điểm của Việt Nam, Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ và tự mình áp dụng một số giải pháp quan trọng như phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, phát hiện và xử lý những trường hợp kê khai giá nhập khẩu bất hợp lý; đảm bảo nguồn cung ứng thuốc, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá; sửa đổi nhiều quy định về quản lý giá, đấu thầu thuốc.

Đặc biệt, đối với các nhà thuốc trong bệnh viện, bộ đã quy định theo hướng giám đốc bệnh viện từ tuyến tỉnh trở lên có trách nhiệm quản lý nhà thuốc trong bệnh viện như một bộ phận của khoa dược và phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của nhà thuốc...

Trả lời ĐB Dương Kim Anh (Trà Vinh) sau đó về mối liên quan giữa tỷ giá ngoại tệ và giá thuốc, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu dứt khoát: “Không có chuyện tỷ giá hối đoái tăng, thì giá thuốc trong bệnh viện tăng. Đấu thầu thuốc là cho cả năm, giá USD lên thì bên A thiệt, còn xuống thì có lợi”.

  • Chưa thể chấm dứt “nằm ghép”

Nhắc lại “lời hứa” của Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu tại Kỳ họp thứ 2 của QH khóa XII về việc giải tỏa tình trạng quá tải ở các bệnh viện lớn, ĐB Trần Kim Phương (Hà Nội) đưa ra nhận xét: “Từ đó đến nay, tức là gần kết thúc nhiệm kỳ QH, tình trạng này vẫn chưa được giải quyết, thậm chí còn trở nên trầm trọng hơn, trách nhiệm của bộ trưởng thế nào”?

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu đáp: “Bộ trưởng Bộ Y tế chưa bao giờ hứa chấm dứt nằm ghép trong 2 hay 3 năm. Bộ Y tế cố gắng tối đa cho dân đỡ khổ nhưng còn tùy bệnh viện. Các bệnh viện Thanh Nhàn hay Việt Đức (Hà Nội) chỉ 1 - 2 năm đã đỡ nhưng có nơi phải 5 - 7 năm thì mới đỡ được. Song Bộ Y tế rất quyết tâm, chấm dứt tình trạng này càng sớm càng tốt.

  • Thiếu thống nhất trong chi trả bảo hiểm y tế

Tuy chỉ nêu một vấn đề rất cụ thể, song ĐB Nguyễn Đình Liêu (Ninh Thuận) đã khiến Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu công nhận một “khoảng trống pháp luật” gây nên nhiều bức xúc cho người dân trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Đình Liêu đặt câu hỏi: “Tai nạn giao thông ngày càng tăng, nhưng thanh toán qua bảo hiểm y tế lại khó khăn do liên ngành thiếu thống nhất. Bộ trưởng cho biết, đã có sự thống nhất hướng dẫn chưa? Hướng xử lý cụ thể như thế nào”?

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu giải trình, “Theo quy định, người bị tai nạn không vi phạm Luật Giao thông mới được thanh toán, cũng có nghĩa là khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền mới làm rõ được. Sau đó, nhận thấy thủ tục có rắc rối, khiến người dân phải chờ đợi lâu, Bộ Y tế đề nghị là bệnh nhân vào cứ cứu chữa, bảo hiểm cứ thanh toán. Sau này khi làm rõ, ai vi phạm phải hoàn trả, ai không vi phạm đương nhiên được bảo hiểm trả.

Quan điểm của Bộ Y tế là nhận phần khó về cơ quan nhà nước, dành thuận lợi cho người dân, nhưng chưa được sự đồng thuận của các cơ quan khác nên Thông tư liên ngành về vấn đề này chưa được duyệt. Bộ đã trình. Đây là khoảng trống pháp luật”

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục