Quốc hội Mỹ chạy đua với thời gian trước nguy cơ đóng cửa chính phủ

Các nghị sĩ 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Quốc hội Mỹ đang chạy đua với thời gian để vượt qua các mâu thuẫn đảng phái trong việc xây dựng một dự thảo ngân sách trước thời hạn chót ngày 19-1, thời điểm ngân sách liên bang sẽ hết hiệu lực.
Người dân Mỹ biểu tình phản đối quyết định hủy chương trình DACA
Người dân Mỹ biểu tình phản đối quyết định hủy chương trình DACA

Ăn đong từng tháng

Đứng trước nguy cơ đóng cửa chính phủ, phe Cộng hòa tại quốc hội đang thúc đẩy một dự luật tạm thời gia hạn ngân sách tới giữa tháng 2, bao gồm các nội dung như nối lại một chương trình bảo hiểm y tế trẻ em với thời hạn 6 năm và hủy bỏ một số khoản thuế liên quan tới y tế. Tuy nhiên, văn kiện này không bao gồm biện pháp về người nhập cư, cụ thể là Chương trình Trì hoãn hành động đối với người nhập cư Mỹ khi còn nhỏ (DACA). Dự thảo này nhiều khả năng sẽ vấp phải sự phản đối của phe Dân chủ tại Quốc hội, những người chủ trương bảo vệ quyền lợi cho hơn 800.000 người nhập cư trẻ tuổi tại Mỹ. Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan kêu gọi các nghị sĩ tỉnh táo để lựa chọn ủng hộ cho dự luật do đảng Cộng hòa bảo trợ, cho rằng sự phản đối của phe Dân chủ đang đẩy chính phủ đến gần với kịch bản nguy hiểm là phải đóng cửa do thiếu ngân sách. 

Phản bác lại, lãnh đạo phe Dân chủ thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer cho rằng nếu Chính phủ Mỹ phải đóng cửa, trách nhiệm nằm ở phe Cộng hòa hiện đang kiểm soát cả 2 viện Quốc hội và cả bản thân Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Schumer chỉ trích đề xuất của đảng Cộng hòa không hỗ trợ các nội dung cấp thiết như chống tình trạng phụ thuộc vào thuốc giảm đau gây nghiện, tăng cường hỗ trợ các cựu binh và người hưởng lương hưu hay cải thiện chi tiêu quốc phòng. Nghị sĩ này cũng cho biết trong ngày 18-1, các thượng nghị sĩ dự kiến sẽ công bố một bản kế hoạch lưỡng đảng, trong đó đưa ra giải pháp cho 4 vấn đề mà Tổng thống Donald Trump quan tâm, bao gồm sửa đổi DACA; hạn chế chương trình xổ số thẻ xanh và chương trình đoàn tụ gia đình cho người nhập cư; cũng như tăng cường an ninh biên giới. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng bản kế hoạch này không khả thi do thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell không muốn thúc đẩy một văn bản có nhiều điểm tương đồng với một dự luật trước đó từng bị Tổng thống Donald Trump bác bỏ. 

Thiệt hại khó lường

Lần gần đây nhất Chính phủ Mỹ phải đóng cửa là năm 2013, khi đó đảng Cộng hòa tìm cách ngăn chặn việc cải cách chương trình y tế do cựu Tổng thống Barack Obama đề xuất và kéo dài hơn 2 tuần, khiến kinh tế Mỹ bị thiệt hại khoảng 24 tỷ USD. Nếu Chính phủ Mỹ lại bị đóng cửa một lần nữa, hàng triệu công chức Mỹ phải nghỉ làm không lương. Trong 17 ngày Chính phủ Mỹ bị đóng cửa hồi tháng 10-2013, ước tính đã có khoảng 850.000 công chức phải nghỉ việc. Tất cả các quân nhân sẽ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ như bình thường. Tuy nhiên, nhiều nhân viên dân sự có thể sẽ phải tạm thời nghỉ việc. 

Ngoài những bất ổn tiềm tàng trên thị trường tài chính, những công ty từng hy vọng có thể huy động được tiền từ việc phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu sẽ phải trì hoãn các kế hoạch của mình và đối mặt với tình trạng trì trệ. Nhiều doanh nghiệp sẽ vẫn có thể đệ đơn lên Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ, song việc giải quyết các đơn từ sẽ bị tạm dừng trong thời gian chính phủ đóng cửa. 

Sở Thuế vụ sẽ chấp nhận việc hoàn trả và nộp thuế trong thời gian chính phủ đóng cửa, nhưng sẽ tạm dừng một số hoạt động khác. Khoảng 90% lực lượng lao động của Sở Thuế vụ cũng sẽ phải nghỉ việc, điều đó có nghĩa là các tổng đài có thể sẽ đóng và các hoạt động kiểm toán sẽ bị tạm dừng.

Tin cùng chuyên mục