Quốc hội xem xét dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại kỳ họp thứ 6

Dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, thông qua tại kỳ họp thứ 7.

Trình bày tờ trình về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 tại phiên họp của Quốc hội sáng 23-5, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, để xử lý các vấn đề thực tiễn phát sinh, kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng trong các văn bản mới, bảo đảm thời gian cho các cơ quan kịp chuẩn bị hồ sơ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã quyết định bổ sung vào Chương trình năm 2023 một số dự án luật, dự thảo nghị quyết.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: QUANG PHÚC

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: QUANG PHÚC

Trong đó, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 5 theo quy trình tại một kỳ họp đối với 2 dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Ba dự thảo nghị quyết cũng được đề nghị Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này gồm: Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM; Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi Nghị quyết số 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; và Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (dự kiến đưa vào Nghị quyết chung kỳ họp thứ 5).

Bên cạnh đó, đề nghị Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 đối với 2 dự án luật, gồm Luật Căn cước công dân (sửa đổi và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Đáng lưu ý, 3 dự án luật đã được Quốc hội khóa XIV cho ý kiến (gồm: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ), Chính phủ đề nghị bổ sung vào chương trình năm 2023 và đã trình hồ sơ đầy đủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4-2023, UBTVQH đã xem xét việc đề nghị Quốc hội cho bổ sung vào chương trình năm 2023 đối với 3 dự án luật và nhận thấy, Chính phủ đã nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, ý kiến của các cơ quan hữu quan và ý kiến của đại biểu Quốc hội khóa XIV, làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, sự cần thiết ban hành và nội dung chính của 3 dự án luật.

Do đó, UBTVQH tán thành trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung 3 dự án luật này vào chương trình năm 2023 và thống nhất với đề xuất của Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6 đối với dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Về tiến độ trình Quốc hội dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ: trên cơ sở cân đối số lượng các dự án luật thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh dự kiến trình Quốc hội trong năm 2023, UBTVQH thống nhất với Chính phủ báo cáo Quốc hội cho đưa vào chương trình để trình Quốc hội cho ý kiến về 2 dự án luật này tại kỳ họp thứ 6, thông qua tại kỳ họp thứ 7.

“Trường hợp các dự án được chuẩn bị tốt, qua thảo luận tại Quốc hội đạt sự đồng thuận cao, UBTVQH sẽ báo cáo Quốc hội đẩy nhanh tiến độ để thông qua ngay tại kỳ họp thứ 6”, ông Hoàng Thanh Tùng nêu rõ.

Tin cùng chuyên mục