Vụ việc dân phản đối trạm thu phí BOT Ninh Xuân xảy ra từ sáng sớm 16-12, đến trưa cùng ngày, trạm thu phí này buộc phải xả trạm liên tục vì hàng chục xe tải chở hàng của người dân dừng xe phản đối. Ghi nhận thực tế, tại Trạm BOT Ninh Xuân hướng từ Ninh Hòa đi Đắk Lắk, một xe tải dừng tại làn thu phí đậu sát trạm BOT Ninh Xuân.
Trong khi đó hai đầu trạm thu phí, hàng loạt xe tải nối đuôi nhau thành hàng dài phản đối. Cơ quan chức năng đã có mặt để giải tỏa ách tắc giao thông, bảo đảm thông suốt quốc lộ. Theo anh Nguyễn Chí Hiếu, một tài xế xe tải ở xã Ninh Xuân, cho biết, trước đây đi vào thị xã không tốn phí nhưng nay mỗi lần đi phải tốn 40.000 đồng, đi về hết 80.000 đồng, khiến chi phí vận tải tăng lên. Bên cạnh đó, muốn vào TP Nha Trang phải đi qua BOT Ninh Lộc. Hai trạm BOT cùng đóng trên địa bàn Ninh Hòa và rất gần nhau khiến người dân bức xúc.
Ông Phan Xuân Hạnh, Trạm trưởng Trạm thu phí Ninh Xuân (Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 501), cho biết: “Trước khi đi vào hoạt động, chúng tôi đã xin ý kiến các bộ, ngành, chính quyền địa phương, trong đó miễn, giảm phí cho hơn 2.950 xe ô tô qua trạm thu phí Ninh Xuân. Đây là những phương tiện của 19 xã, phường trên địa bàn thị xã Ninh Hòa, nằm trong bán kính 10km tính từ trạm thu phí. Tuy nhiên, từ 0 giờ ngày 16-12, khi trạm bắt đầu thu phí thì người dân đã tập trung phản đối. Đến trưa nay, trạm hầu như phải đóng mở liên tục, không thu được phí. Trạm chúng tôi đi vào hoạt động theo đúng công văn 11668/ BGVT - TC ngày 5-12-2019 cho phép Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 501 tổ chức thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ tại Km 8+800 ở Khánh Hòa và Km 93+677 tại Đắk Lắk. Trước mắt, chúng tôi đã báo cáo tình hình đến UBND tỉnh Khánh Hòa và cơ quan chức năng để có hướng xử lý”.
Còn tại tỉnh Đắk Lắk, sáng cùng ngày, hàng chục người dân sống quanh Trạm thu phí Ea Đar đặt trên QL26, thuộc huyện Ea Kar (Đắk Lắk) đã đưa phương tiện ra khu vực này để phản đối việc chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng 501 bắt đầu thu phí. Theo những hộ dân sống trên trục đường thu phí, mặc dù chủ đầu tư đã giảm giá vé nhưng theo họ vẫn còn cao. “Người dân chúng tôi ngày nào cũng đi làm rẫy bằng xe cơ giới, thậm chí có ngày đi đến 5-6 lần, vào mùa vụ còn nhiều hơn. Với việc thu phí BOT như hiện nay, mỗi ngày dân mất 200-300.000 đồng”, một người dân bức xúc.
Trước tình trạng nhiều phương tiện gây ùn ứ, ách tắc, chính quyền địa phương tại huyện Ea Kar đã cử lực lượng xuống vận động, giải thích để người dân hiểu nhưng tình hình chưa thuyên giảm. Thượng tá Nguyễn Văn Dân, Trưởng Công an huyện Ea Kar cho biết, sau khi xảy ra sự việc, đơn vị đã cử cán bộ xuống đảm bảo an ninh trật tự.