Quy định về dạy thêm, học thêm - Cần quản lý theo lộ trình

Quy định về dạy thêm, học thêm - Cần quản lý theo lộ trình

Ngày 28-6-2016, UBND TPHCM đã có công văn số 3265/UBND-VX gửi Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), Sở Văn hóa - Thể thao và UBND 24 quận, huyện về quản lý các hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn TP. Theo đó, bắt đầu từ năm học 2016 - 2017, chấm dứt việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Sau gần hai tháng triển khai, đã có thêm nhiều đề xuất, kiến nghị từ các cơ sở…

Hướng dẫn thêm đối với bậc tiểu học

Mới đây, tại buổi khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM với UBND quận 1, bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) cho biết, tất cả trường tiểu học hiện nay đều tan học từ 16 giờ - 16 giờ 30, trong khi giờ tan sở của cán bộ, công chức nhà nước là 17 giờ - 17 giờ 30. “Từ thực tế chênh lệch giờ đưa đón, phụ huynh ở hầu hết các lớp đã làm đơn xin nhà trường tổ chức thêm các hoạt động sau giờ tan học. Cụ thể, trường không tổ chức dạy văn hóa mà tạo điều kiện cho học sinh tham gia các câu lạc bộ năng khiếu, như câu lạc bộ tiếng Anh, học làm bánh, thể dục nhịp điệu, võ thuật, bóng đá, bóng rổ, rèn chữ… Đây là biện pháp vừa giúp tăng thêm thu nhập cho giáo viên, thực hiện đúng chủ trương không dạy thêm, học thêm của TP, vừa giải cái khó về thời gian đưa đón cho phụ huynh”, bà Thúy chia sẻ. Tương tự, tại Trường Tiểu học Thực hành sư phạm Phan Đình Phùng (quận 3), ông Nguyễn Văn Lợi, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết tùy theo đăng ký của phụ huynh, nhà trường sẽ tổ chức các hoạt động giữ trẻ phù hợp. Cụ thể, học sinh nào thích vận động sẽ đăng ký tham gia các lớp năng khiếu như võ thuật, cầu lông, aerobic… Em nào không tham gia vận động sẽ được giáo viên tổ chức ôn tập kiến thức đã học trong ngày ngay tại lớp học, vừa lấp đầy thời gian trống vừa giúp hệ thống lại kiến thức cho học sinh.

Học sinh Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1) trong một giờ sinh hoạt ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng mềm

Tuy nhiên, lãnh đạo các đơn vị đều thừa nhận dù những hoạt động này đều tổ chức theo nhu cầu đăng ký của phụ huynh nhưng về lâu dài, vẫn cần có thêm hướng dẫn từ các cơ quan quản lý. “Không nên đánh đồng hai khái niệm “sinh hoạt ngoại khóa ngoài giờ học” (với mục đích giữ trẻ) với “dạy thêm, học thêm” (nhằm bổ sung thêm kiến thức về văn hóa). Vì vậy, chúng tôi mong các cấp lãnh đạo TP phân định lại cụ thể hình thức nào cấm, hình thức nào được triển khai để tránh cho các trường rơi vào tâm trạng vừa làm vừa nghe ngóng, tình ngay lý gian như hiện nay”, hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 3 bày tỏ. Ngoài ra, ông Phạm Hùng Dũng, Trưởng phòng GD-ĐT quận 3, kiến nghị: song song quy định không tổ chức dạy thêm, học thêm trong trường học, cần siết chặt hơn nữa công tác quản lý đối với dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường. “Cấm dạy trong trường thì giáo viên ra ngoài trung tâm dạy. Nhưng như thế lại thành ra làm thuê cho các “ông chủ”. Vấn đề là quản lý sao cho quy củ và đạt hiệu quả, chứ không phải cấm chỗ này lại chuyển qua chỗ khác sẽ không hay”, ông Dũng bày tỏ.

Nên có lộ trình quản lý phù hợp

Một hiệu trưởng trường THCS ở quận 1 tâm tư, đối với hầu hết giáo viên, nhiều năm nay đã quen với việc truyền thụ kiến thức vào giờ chính khóa, mọi hoạt động làm bài tập, thực hành được đẩy qua các tiết tăng tiết, dạy thêm. Nhưng nay với quy định mới, giáo viên phải sắp xếp, phân bổ lại toàn bộ kế hoạch giảng dạy, điều chỉnh phương pháp truyền thụ kiến thức sao cho phù hợp. Vì vậy, thay đổi cũng cần có lộ trình, thực hiện từng bước, cho giáo viên thời gian chuẩn bị chứ không thể nói ngưng là ngưng ngay được, như thế sẽ làm khó giáo viên.

Thêm vào đó, theo ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT), cùng với các nỗ lực giảm tải chương trình, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá, cải thiện đời sống giáo viên sẽ là một trong những vấn đề tiếp theo đặt ra cho lãnh đạo TP trước bài toán trị tận gốc dạy thêm, học thêm. Bởi theo phân tích của bà Hồ Thị Ngọc Sương, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (quận 1), giáo viên tốt nghiệp đại học đi dạy 5 năm hiện nay có tổng lương và phụ cấp là 3.822.000 đồng/tháng; còn người tốt nghiệp đại học, có thâm niên giảng dạy 20 năm, tổng lương và phụ cấp cũng không quá 7 triệu đồng/tháng. “Thử hỏi với mức sống hiện nay ở TPHCM, thu nhập như thế làm sao các thầy cô giáo nuôi sống bản thân, chưa dám nói đến lo cho gia đình, con cái? Nếu đời sống được đảm bảo, tôi tin chắc các thầy cô giáo sẽ chấp hành tốt chủ trương của TP”, bà Sương khẳng định.

Lắng nghe tất cả ý kiến đóng góp của các quận, huyện, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM, đề nghị các trường và giáo viên chấp hành nghiêm chủ trương của TP. Song song đó, TP sẽ tiếp tục có thêm những bổ sung, hướng dẫn phù hợp để quy định sớm đi vào cuộc sống, tạo sự yên tâm, tin tưởng ở cả ba phía - nhà trường, giáo viên và học sinh.

Theo phản ảnh của các quận, huyện, dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường hiện nay rất khó kiểm soát. Hiệu trưởng chỉ quản lý giáo viên trên cơ sở… đăng ký, kê khai của chính giáo viên đó. Đã xảy ra trường hợp giáo viên dạy thêm bên ngoài nhưng không đăng ký hoặc đăng ký không đúng số lượng học sinh thực tế, khiến quản lý còn nhiều bất cập.

MINH QUÂN

Tin cùng chuyên mục