
Sau 5 năm hoạt động, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng trong tiến trình đổi mới nền kinh tế.

Phiên giao dịch chứng khoán ở Trung tâm Giao dịch chứng khoán TPHCM.
Theo TS Trần Đắc Sinh, Giám đốc Trung tâm Giao dịch chứng khoán (TTGDCK) TPHCM thành tựu nổi bật nhất trong 5 năm qua là đã vận hành hệ thống giao dịch thông suốt và an toàn trên 1.000 phiên giao dịch, với giá trị giao dịch bình quân phiên của toàn thị trường liên tục tăng từ 1,4 tỷ đồng trong năm 2000 lên 81 tỷ đồng trong 7 tháng đầu năm 2005.
Tốc độ luân chuyển chứng khoán niêm yết tăng từ 8% trong năm 2000 lên 61% trong năm 2004. TTCK cũng đã bước đầu thể hiện được vai trò là kênh huy động vốn cho nền kinh tế với tổng giá trị niêm yết đạt trên dưới 32.000 tỷ đồng gồm hơn 29.000 tỷ đồng trái phiếu, trên 1.500 tỷ đồng cổ phiếu và 300 tỷ đồng chứng chỉ quỹ đầu tư.
Các đợt phát hành tăng vốn của các tổ chức niêm yết, bán đấu giá cổ phần ra công chúng của các công ty cổ phần hóa và đấu thầu phát hành trái phiếu Chính phủ diễn ra thường xuyên hơn.
Đến nay, TTGDCK TPHCM đã tổ chức được 125 đợt đấu thầu, huy động được trên 7.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ và trái phiếu đô thị TPHCM. Hoạt động đấu giá bán cổ phần mặc dù mới khởi động từ tháng 2-2005 nhưng đến nay đã có 9 đợt phát hành thu về 732 tỷ đồng cho nhà nước.
TTCK hoạt động liên tục đã kéo theo sự gia tăng số lượng nhà đầu tư từ dưới 3.000 tài khoản vào năm 2000 nay đã đạt trên 24.300 tài khoản, trong đó có 250 nhà đầu tư là tổ chức. Số lượng các tổ chức tài chính trung gian cũng tăng tương ứng và hiện đang có 13 công ty chứng khoán (CTCK), 4 công ty quản lý quỹ chính thức hoạt động trên thị trường.
Sự lớn mạnh của các CTCK không chỉ thể hiện qua việc mở rộng quy mô hoạt động ra một số tỉnh-thành trong nước như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TPHCM, Bình Dương, Cần Thơ…, mà tiềm lực về vốn và nguồn nhân lực cũng không ngừng gia tăng, góp phần nâng cao năng lực hoạt động của thị trường.
Cùng với sự gia tăng về số lượng, chất lượng các loại hình dịch vụ và tiện ích phục vụ người đầu tư cũng ngày càng được nâng cấp và đa dạng hóa. Các mô hình đầu tư mới như quỹ đầu tư chứng khoán, hợp đồng mua lại trái phiếu, cổ phiếu có kỳ hạn… cũng đã bắt đầu xuất hiện trên thị trường, làm phong phú thêm hàng hóa để người đầu tư lựa chọn.
Các dịch vụ gia tăng giá trị như liên kết tài khoản với ngân hàng, báo giá chứng khoán qua điện thoại, theo dõi giao dịch chứng khoán trực tuyến, đặt lệnh giao dịch qua điện thoại, Internet… được các CTCK đưa vào áp dụng ngày càng nhiều, đem lại lợi ích thiết thực cho người đầu tư.
Với sự đi lên của thị trường, các công ty niêm yết (CTNY) cũng quen dần với cơ chế công bố thông tin và bước đầu đã thực hiện nguyên tắc quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất. Đa số các công ty sau một thời gian niêm yết đều có kết quả kinh doanh khả quan, hiệu quả hoạt động không ngừng gia tăng, hệ thống quản trị và điều hành sản xuất ngày càng chặt chẽ và linh hoạt.
Tuy nhiên, những kết quả đạt được chưa đáp ứng đúng kỳ vọng của TTCK và yêu cầu bức thiết của nền kinh tế, kể cả chưa thật sự tương xứng với tiềm năng và cơ hội mà nền kinh tế đang tạo ra.
Tồn tại rõ nhất là quy mô TTCK hiện còn quá nhỏ bé. Với 30 CTNY mà đa phần là các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu hiện chỉ vào khoảng 0,6% GDP (nếu tính cả trái phiếu thì tổng giá trị niêm yết toàn thị trường là 30.800 tỷ đồng, chiếm 4,8% GDP), hãy còn quá nhỏ để có thể đại diện cho nền kinh tế.
Nguyên nhân quan trọng là do nhận thức về lợi ích của TTCK đối với hoạt động của DN còn rất mơ hồ nên DN chần chừ không muốn niêm yết. Phần lớn các DN Việt Nam hiện vẫn kinh doanh theo kiểu gia đình, hoặc theo mô hình DN vừa và nhỏ, nên chưa có nhu cầu chủ động huy động vốn lớn mà vẫn dựa chủ yếu vào nguồn cung cấp tín dụng của ngân hàng. Do vậy kênh huy động vốn cho các DN vẫn chưa phát huy hết tác dụng và chưa trở thành động lực để thúc đẩy các DN lên niêm yết.
Ngoài ra, cũng phải thừa nhận rằng lợi ích từ việc niêm yết như quảng bá thương hiệu, các chính sách ưu đãi,… hiện nay chưa vượt trội so với những thách thức mà DN phải đối phó, đặc biệt là việc bảo đảm quy tắc quản trị công ty, công khai thông tin và áp lực tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh sau khi lên niêm yết.
Mặt khác, chúng ta chưa có Luật Chứng khoán, hệ thống các văn bản về chứng khoán và TTCK hiện hành có tính pháp lý chưa cao và còn nhiều bất cập. Nghị định 144/2003/NĐ-CP là văn bản có tính hiệu lực pháp lý cao nhất của TTCK còn nhiều vấn đề liên quan vẫn chưa được đề cập như niêm yết DN có vốn đầu tư nước ngoài chuyển đổi, các giao dịch có kỳ hạn,… Một số vấn đề mà thị trường rất quan tâm là việc nới lỏng tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài, chính sách ưu đãi thuế đối với CTNY,… vẫn chậm có quyết định dứt khoát.
Nhưng nguyên nhân của những nguyên nhân vẫn là con người. Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của TTCK đang là vấn đề rất bức bách, kể cả nguồn nhân lực cho các cơ quan hoạch định chính sách và điều hành thị trường cũng cần đặt ra, nhất là sắp tới Việt Nam gia nhập WTO thì sự phát triển của TTCK sẽ rất nhanh chóng và phức tạp.
ANH KHUÊ