Trong bối cảnh đang phải tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ, châu Âu hiện đặt nhiều hy vọng vào sự giúp đỡ về tài chính của nhiều nơi, trong đó có Trung Quốc. Tuy nhiên, châu Âu mong chờ nhưng Trung Quốc có xắn tay giúp hay không lại là chuyện khác.
Chuyện Trung Quốc giúp châu Âu thực ra không có gì mới. Hiện Bắc Kinh đang nắm trong tay tổng cộng hơn 500 tỷ EUR nợ công của châu lục này. Dù đã trở thành cường quốc kinh tế đứng hàng thứ 2 thế giới, Trung Quốc vẫn rất quan tâm đến sự ổn định và thịnh vượng của châu Âu - nền kinh tế mà theo một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc là “hàng đầu thế giới”.
Liên minh châu Âu (EU) hiện là đối tác thương mại hàng đầu, cũng như thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng đang tìm cách đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ khoảng 3.200 tỷ USD, chủ yếu được giữ bằng đồng USD.
Nhưng việc Trung Quốc tham gia giải quyết món nợ của EU đang vấp phải nhiều thách thức, trước tiên từ trong nước. Nhiều người dân Trung Quốc tự hỏi tại sao nước họ phải cứu trợ các quốc gia giàu có hơn, những nước đã “vung tay quá trán” trong khi kinh tế Trung Quốc cũng có nhiều biểu hiện không khỏe mạnh cho lắm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc bắt đầu chậm lại, lạm phát vẫn liên tục ở mức cao, giá lương thực và nhà ở gia tăng. Đã có nhiều ý kiến quan ngại rằng việc Trung Quốc đầu tư quá mức vào gói cứu trợ cho châu Âu có thể gây phương hại cho chính nước này.
Người dân cho rằng chính phủ cần giúp đỡ dân nghèo trong nước, nuôi nấng trẻ em ở nông thôn, tạo công ăn việc làm cho đội ngũ sinh viên tốt nghiệp hiện đang bị thất nghiệp… thay vì giúp đỡ châu Âu. Giới quan sát nhận định cho dù Trung Quốc đạt mức tăng trưởng cao và liên tục trong 3 thập niên qua nhưng chính phủ nước này vẫn đang phải rất nỗ lực tập trung thu hẹp khoảng cách chênh lệch giàu nghèo.
Michael Pettis, giáo sư tài chính của Trường Đại học Bắc Kinh, nhận định sự không đồng tình của người dân sẽ khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải cân nhắc kỹ có nên chi một khoản tiền lớn để giúp đỡ châu Âu hay không.
Ngay cả các quốc gia EU cũng phản đối để Trung Quốc giúp đỡ tài chính cho EU. Ứng cử viên tổng thống của đảng Xã hội Pháp François Hollande đặt câu hỏi: “Làm sao có thể nghĩ rằng Trung Quốc trợ giúp EU mà không kèm điều kiện gì?”. Daniel Cohn-Bendit, lãnh đạo đảng Xanh của Pháp phản ứng: “Chúng ta đã quyết định tự trói chân, trói tay vào các nước mới nổi”.
Rất nhiều nhà phân tích cho rằng rất có thể thông qua việc cứu trợ châu Âu, Trung Quốc hy vọng EU sẽ ngừng chỉ trích chính sách đồng nhân dân tệ của mình. Phải chăng vì nhiều lẽ như vậy nên Trung Quốc chưa xác nhận sẵn sàng tham gia vào Quỹ bình ổn tài chính châu Âu, đã được nâng vốn lên thành 1.000 tỷ EUR.
Có thể thấy, việc có nên cứu các nước châu Âu đang khủng hoảng nợ công hay không hiện là một quyết định khó khăn đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Và nếu giúp thì có như nhận định của nhà kinh tế độc lập Andy Xie, cựu chuyên gia kinh tế Ngân hàng Morgan Stanley: “Bất kỳ sự hỗ trợ nào của Trung Quốc cũng chỉ mang tính chiếu lệ bởi chẳng ai muốn đầu tư tiền của vào một tình huống mà khả năng phá sản là rất cao, trong khi họ lại chẳng thu được lợi gì”.
Đỗ Văn