
Tuần qua, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công đã đến làm việc và yêu cầu các cảng biển ở TPHCM ký cam kết không chất hàng quá tải cho các xe ô tô vào cảng lấy hàng. Như vậy, sau hơn nửa năm triển khai chương trình chống ô tô chở hàng quá tải, những động thái nêu trên của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy, bộ rất cương quyết trong việc này…
Quyết tâm của ngành giao thông vận tải
Ấn tượng nhất trong chuyến làm việc của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Công là hệ thống tự động quản lý tải trọng phương tiện giao nhận hàng hóa tại Cảng container quốc tế Việt Nam (VICT). Hệ thống tự động hóa này được thực hiện ngay từ lúc xe bắt đầu vào cảng, cho tới khâu bốc hàng lên xe và xe ra khỏi cảng. Mọi số liệu về tải trọng xe, lượng hàng hóa bốc xếp được lưu vào bộ phận dữ liệu của hệ thống. Các tác động tiêu cực từ bên ngoài, nếu có cũng rất khó thực hiện. Chưa đạt đến mức tự động hóa quy trình kiểm soát cao như VICT, nhưng hệ thống kiểm soát tải trọng xe vào xếp dỡ hàng hóa của Cảng Sài Gòn cũng rất chặt chẽ.
Ông Võ Hoàng Giang, Phó Tổng Giám đốc Cảng Sài Gòn, cho biết, cảng sẽ kiểm tra giấy đăng kiểm tải trọng của các phương tiện giao thông khi các phương tiện này vào cảng. Căn cứ vào giấy đăng kiểm tải trọng của xe, các công nhân xếp dỡ cũng như các nhân viên giao nhận hàng sẽ xếp hàng theo đúng trọng tải lên xe. Sẽ có một bộ phận trực hiện trường luôn kiểm tra, nhắc nhở các bộ phận nêu trên. Khi ra cổng, một lần nữa xe vẫn phải đối chiếu phiếu xuất hàng và giấy đăng kiểm tải trọng xe. Nếu số liệu khớp thì xe mới được ra khỏi cảng, ngược lại, xe sẽ phải quay trở lại cảng và tiến hành hạ tải cho tới khi đúng với tải trọng đăng kiểm. Riêng quy trình kiểm soát tải trọng xe ở Cảng Bến Nghé, như đánh giá của Thứ trưởng Nguyễn Văn Công “chưa được chặt chẽ như Cảng VICT và Cảng Sài Gòn” nhưng nó cũng đang được Cảng Bến Nghé hoàn thiện.

Quyết liệt kiểm tra tải trọng xe giúp tình hình giao thông tại TPHCM tốt hơn. Ảnh: PHẠM CAO MINH
Sau khi đi thực tế 3 cảng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công đã chủ trì buổi làm việc với tất cả 29 cảng biển ở TPHCM, yêu cầu các cảng này cam kết không xếp hàng quá tải lên xe và tiến hành kiểm soát chặt chẽ tải trọng xe trước khi cho xe chở hàng ra khỏi cảng. Phát biểu tại buổi làm việc, Trung tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng Cục Cảnh sát nhân dân Việt Nam, cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2014 tại TPHCM có trên 7.325 phương tiện chở quá tải. Dù chưa xác định được các phương tiện xuất phát từ đâu nhưng chắc chắn trong đó cũng có xe xuất phát từ các cảng. “Sắp tới chúng tôi sẽ yêu cầu lực lượng công an làm việc ở trạm cân kiểm tra xe quá tải xuất phát từ nguồn hàng nào để có cơ sở quy trách nhiệm các đơn vị”. Sự phối hợp của hai cơ quan quan trọng bậc nhất trong quản lý hoạt động giao thông đang được kỳ vọng sẽ là căn cứ quan trọng để lập lại trật tự trong hoạt động vận tải hàng hóa. Tuy nhiên…
Còn nhiều việc phải làm...
Trao đổi với phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, cho biết, chống xe chở quá tải là chủ trương đúng đắn của Nhà nước, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên, nói về cách làm của ngành GTVT, ông Bùi Văn Quản cho rằng, chưa đủ. Theo ông, hiện nay không chỉ có các cảng biển là nơi xuất phát nguồn hàng mà nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, các nhà máy, xí nghiệp cũng là nơi hàng hóa được chở đi. Do vậy, bên cạnh việc siết chặt quản lý ở các cảng biển, Bộ GTVT và CSGT nên tiến hành kiểm tra công tác xuất hàng ở các khu công nghiệp, khu chế xuất… Chưa kể, việc kiểm tra tải trọng xe ở các cảng chỉ áp dụng hiệu quả cho xe chở hàng từ cảng đi. Xe chở hàng đến cảng rất khó quản lý vì chúng được xếp hàng ở các nhà máy, xí nghiệp sản xuất ra chúng. Nếu bỏ sót các khu công nghiệp, khu chế xuất, các nhà máy, xí nghiệp là bỏ sót một đối tượng cần kiểm tra không nhỏ.
Một con số mà Bộ GTVT đưa ra cũng đã chứng minh nhận xét này. Hiện nay trong khoảng 1 tỷ tấn hàng hóa/năm được vận chuyển trên địa bàn cả nước, có khoảng 734 triệu tấn được chở bằng đường bộ. Trong số này chỉ có 1/3 lượng hàng hóa được chở bằng đường bộ xuất phát từ các cảng. Theo ông Bùi Văn Quản, các ngành chức năng nên phối hợp với hiệp hội trong việc chống xe chở quá tải. Vì hơn ai hết các đơn vị vận tải là “người” biết rất rõ đơn vị vận tải, nhà máy, xí nghiệp, cảng biển nào đang dung túng cho hành vi chở hàng quá tải. Thời gian qua, các cơ quan chức năng cũng lắng nghe các thông tin phản ánh từ hiệp hội nhưng trong nhiều trường hợp, họ lại xử lý bằng cách mời cả các cơ quan bị tố cáo đến… cùng làm việc. “Nếu ngành chức năng hiểu thông lệ này và chủ động điều tra một cách khách quan sau khi có thông tin thì việc hợp tác trong chống xe chở quá tải giữa hiệp hội và các ngành sẽ hiệu quả hơn”, ông Bùi Văn Quản nói.
Quy trách nhiệm của từng đơn vị một cách cụ thể hơn sẽ là cơ sở quan trọng để lập lại trật tự an toàn trong vận tải hàng hóa. Trên tinh thần này, ông Bùi Văn Quản cho biết, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM đã đề nghị Chính phủ ban hành nghị định mới hoặc sửa đổi nghị định xử phạt hành chính hiện hành theo hướng quy định thêm trách nhiệm pháp lý và chế tài xử phạt nghiêm minh đối với tất cả các cảng sông, cảng biển, khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà máy, xí nghiệp… đã xếp hàng hóa quá tải trọng xe bên cạnh trách nhiệm của lái xe. Quy trình quản lý xuyên suốt như vậy sẽ giúp hệ thống vận tải hàng hóa bằng đường bộ được quản lý hiệu quả hơn. Một vấn đề cuối, ông Bùi Văn Quản nói: “Đó là việc chống xe chở quá tải phải được tiến hành liên tục, thường xuyên, không được làm một thời gian ngắn rồi… ngưng. Các doanh nghiệp vận tải kinh doanh chân chính luôn mong muốn chấm dứt tình trạng xe chở hàng quá tải vì nếu không, các doanh nghiệp sẽ phải kinh doanh trong tình trạng thường xuyên đối phó, lo sợ rủi ro về pháp lý. Giá cước vận tải méo mó, không phản ánh đúng giá trị thực của thị trường, chi phí tiêu cực ngày càng gia tăng. Việc này không chỉ có hại cho doanh nghiệp vận tải mà còn ảnh hưởng rất tiêu cực tới xã hội”.
NGUYỄN KHOA