
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2016 vẫn khó có thể đạt được mục tiêu giảm thiểu chất thải chôn lấp. Bởi tính đến cuối năm 2015, tại các tỉnh, thành có lượng lớn rác thải phát sinh như Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai và TPHCM, vẫn còn 80% - 90% lượng rác thải xử lý bằng biện pháp chôn lấp. Trong đó, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ cũng như kế hoạch và mục tiêu đề ra các tỉnh thành này là tăng 30 - 40% lượng rác tái chế.
90% rác chôn lấp
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh trên toàn quốc ước tính khoảng 12 triệu tấn/ngày. Trong đó, ở khu vực nông thôn chiếm khoảng 30%, còn lại tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn là Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai và TPHCM. Khảo sát gần đây cho thấy, phương pháp xử lý chất thải rắn đô thị chủ yếu vẫn là chôn lấp với khoảng 80% - 90% tổng lượng rác thải. Điều đáng lo ngại là hầu hết các bãi chôn lấp ở nước ta đều ở quá tải so với công suất tiếp nhận khiến cho việc kiểm soát ô nhiễm môi trường trong quá trình vận hành ngày càng trở nên khó khăn. Đặc biệt làm gia tăng phát sinh khí mêtan - một loại khí nhà kính gây ra biến đổi khí hậu.
Đáng lo ngại hơn, tại Hà Nội, Đồng Nai và TPHCM, nhiều bãi chôn lấp rác vẫn đang có tình trạng mùi hôi phát tán, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân khu vực xung quanh. Riêng tại TPHCM, trong những năm qua đã thực hiện chủ trương xã hội hóa, thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia tái chế rác thải thành phân compost. Hiện có khoảng 1.000 tấn/ngày, chiếm 9%/tổng lượng rác thải được tái chế thành phân compost. Thế nhưng, trên thực tế, hầu hết các mô hình nhà máy ủ phân compost tại TPHCM nói riêng và cả nước nói chung đều đang ít nhiều gây ra những tác động không mong muốn đến môi trường. Điển hình như hệ thống thổi khí tiêu tốn nhiều năng lượng và thường xuyên bị tắc nghẽn gây ảnh hưởng đến quá trình phân hủy, phát sinh nhiều mùi hôi trong quá trình vận hành. Nhiều công nghệ nhập khẩu từ nước ngoài không thể ứng dụng được do không phù hợp với thành phần rác thải vốn lẫn nhiều tạp chất ở Việt Nam. Thêm trở ngại là hiện nay phân compost chưa có thị trường tiêu thụ nên các nhà máy xử lý rác sản xuất compost ở nước ta đều hoạt động không hiệu quả, phải gián đoạn, tạm dừng hay đóng cửa.
Thực tế này đã khiến cho tình hình xử lý rác thải trong thời gian tới được dự báo sẽ khó khăn hơn khi khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tăng từ 7% - 10% mỗi năm, nhất là tại TPHCM và Hà Nội, nơi có tỷ lệ phát sinh rác thải tăng cao nhất. Kéo theo gánh nặng ngân sách do phải chi phí tăng cho việc thu gom và xử lý rác. Không chỉ thế, công tác quản lý và xử lý chất thải rắn không hiệu quả sẽ dẫn đến những hệ quả khác như gây mất mỹ quan đô thị, tác động đến ngành du lịch văn hóa của địa phương và đặc biệt ảnh hưởng đến chất lượng sống của dân cư trong khu vực bởi các mầm bệnh, mùi hôi, vi trùng, nước rò rỉ… Thêm vào đó các loại chất thải nguy hại không được phân loại riêng, chưa trải qua bất kỳ khâu xử lý kỹ thuật nào mà trộn chung với những chất thải sinh hoạt đưa đến những bãi chôn lấp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, dẫn đến suy thoái môi trường.

Phương pháp xử lý chất thải rác đô thị chủ yếu vẫn là chôn lấp. Ảnh: CAO THĂNG
Khi nào được xem là nguồn tài nguyên?
Đại diện Tổng cục Năng lượng Bộ Công thương nhấn mạnh, cũng là 80% nhưng là 80% các nước trên thế giới đang áp dụng công nghệ xử lý rác thành điện. Với họ, rác không phải là để chôn lấp và phải trả tiền để vận hành mà là nguồn tài nguyên vô tận cần phải tái chế. Thậm chí, tại một số nước phát triển như Đức, rác của người dân còn được các nhà đầu tư mua lại vì họ xem đây chính là nguồn nguyên liệu sản xuất. Vấn đề này cũng đã được Chính phủ Việt Nam nhận thức rõ thông qua việc ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất điện sạch. Cụ thể, nâng giá mua điện sạch sản xuất từ rác thải ở mức 4 cent lên 10,05cent/kWh, hỗ trợ miễn thuế, đất, lãi suất vốn vay… Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Phát triển Việt Nam còn thành lập riêng một chương trình chuyên hỗ trợ lãi suất vốn vay cho những dự án được xét vào diện thân thiện với môi trường. Thậm chí, Chính phủ Nhật Bản đã thống nhất, với những dự án đầu tư thân thiện môi trường, giảm được khí thải CO2 tại Việt Nam sẽ nhận được hỗ trợ 50% chi phí thiết bị không hoàn lại…
Chính sách hỗ trợ rất nhiều, vậy đâu là lý do khiến các dự án tái chế rác thải tại Việt Nam mãi vẫn không thể phát triển? Vấn đề nằm ở chỗ bất cập trong quá trình phân bổ lượng rác. Hai thành phố có lượng rác lớn đủ để đảm bảo nguồn cung ứng hoạt động ổn định, thường xuyên cho các nhà đầu tư xử lý rác thành điện là Hà Nội và TPHCM. Thế nhưng, phần lớn lượng rác thải lại được phân bổ cho những nhà đầu tư xử lý rác bằng biện pháp… chôn lấp. Kết quả là thừa rác chôn lấp nhưng thiếu rác cho những nhà máy xử lý bằng biện pháp tái chế hiện đại hơn. Đại diện Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường cũng khẳng định, trước đây, TPHCM đã có doanh nghiệp đầu tư vào đốt rác phát điện. Thế nhưng, nhà máy không thể đi vào hoạt động không phải vì công nghệ không đảm bảo mà vì chi phí sản xuất cao hơn chi phí bán điện. Tuy nhiên, đó là khi mức giá thu mua điện chỉ khoảng 4cent và giá xử lý rác chỉ khoảng 3 - 5USD. Còn hiện với giá xử lý khoảng 17 - 21USD như hiện nay thì hoàn toàn có thể tái lập lại hoạt động thu hút nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực tái chế rác thải. Vấn đề quan trọng là cần phải tính toán hợp lý cách thức phân bổ rác, cam kết cung ứng cũng như tạo điều kiện ổn định nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy, tạo niềm tin đầu tư lâu dài cho các nhà đầu tư. Có như vậy mới có thể giảm gánh nặng môi trường trong thời gian tới.
Minh Xuân - Minh Hải