Trong cuộc họp báo trước chuyến thăm Tanzania, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng Trung Quốc đã từng viện trợ cho châu Phi cách đây nửa thế kỷ khi Trung Quốc còn nghèo và “châu Phi với Trung Quốc như người trong một nhà”.
Tuyến đường sắt nối liền Tanzania và Zambia dài 1.850 km được xây dựng từ những năm 1960 với sự trợ giúp từ Trung Quốc. Để phục vụ cho nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh, vấn đề năng lượng và khoáng sản đã định hình chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Châu Phi là nơi có thể đáp ứng nhu cầu đó. Điều đó có thể giải thích vì sao ông Tập Cận Bình chọn châu Phi là chặng dừng chân thứ hai trong chuyến công du nước ngoài sau khi nhậm chức Chủ tịch Trung Quốc.
Từ năm 2009, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi và đến năm 2012, kim ngạch thương mại song phương đạt 198,4 tỷ USD (theo Tân Hoa xã). Dự báo trong vài năm tới, châu Phi sẽ qua mặt Mỹ và EU trở thành thị trường lớn nhất của Trung Quốc.
Vào ngày 23-3, tức 3 ngày trước khi khai mạc hội nghị thượng đỉnh nhóm BRICS ở Nam Phi, một khu phức hợp thương mại rộng 18.000m² chuyên bán sản phẩm Trung Quốc đã khai trương ở Johannesburg, Nam Phi. Đây chỉ là một trong vô số các cơ sở thương mại và nhà máy của Trung Quốc đang mọc lên như nấm ở khắp châu Phi. Dân nghèo châu Phi tạm chấp nhận các sản phẩm của Trung Quốc với giá rẻ. Hơn thế nữa, đầu tư của Trung Quốc đã mang lại nhiều việc làm cho người dân châu Phi. Với tổng số tiền Trung Quốc đầu tư vào châu Phi đạt 45 tỷ USD (tính tới năm 2012), trong đó có 15 tỷ USD đầu tư trực tiếp, chỉ riêng tại Nam Phi, đã có 300.000 việc làm mới được tạo ra trong vòng 5 năm qua.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, làn sóng thương mại và đầu tư Trung Quốc đổ vào châu Phi cũng kéo theo nhiều hệ lụy.
Theo Asia Times, Trung Quốc thường có nhiều khoản cho vay lãi suất thấp hoặc không lãi suất với nhiều chính phủ ở châu Phi nhưng đổi lại, điều kiện bắt buộc là những chính phủ đó phải sử dụng sản phẩm, dịch vụ và thậm chí cả nhân lực từ Trung Quốc. Do đó mới có tình trạng người Trung Quốc ồ ạt đổ vào châu Phi. Đã có hơn một triệu người Trung Quốc vào châu lục này so với chỉ vài ngàn người cách đây 10 năm, theo số liệu của báo Asahi, trong đó từ 30% - 40% là ở Nam Phi. Việc quản lý một lực lượng lao động lớn như vậy trở nên khó khăn hơn, nhất là với những trường hợp vi phạm luật pháp.
Cũng theo tờ Asia Times, nhiều nước châu Phi đang muốn kiểm soát chặt hơn các nhà đầu tư Trung Quốc. Gần đây, Zambia đã giành quyền kiểm soát một mỏ khai thác đồng của một công ty Trung Quốc sau khi có nhiều đơn khiếu nại về tình trạng bóc lột lao động. Tổng thống Botswana gần đây cũng kêu gọi giảm ký kết các hợp đồng mới với các công ty Trung Quốc vì chất lượng công trình không đảm bảo và tiến độ công trình trì trệ.
Theo báo The Economist, một tòa án ở Algeria đã ra lệnh cấm 2 công ty Trung Quốc tham gia đấu thầu vì cáo buộc có tiêu cực. Những nhà hoạt động bảo tồn thiên nhiên tại Nam Phi và Kenya yêu cầu Chính phủ Trung Quốc ngăn chặn tình trạng các công ty Trung Quốc mua bán ngà voi và sừng tê giác. Malawi, Tanzania, Uganda và Zambia mới đây đã đưa ra các luật mới giới hạn một số ngành công nghiệp và lĩnh vực có sự tham gia của các công ty Trung Quốc.
KHÁNH MINH