
Nghị định 27/CP ra đời cho phép các đơn vị có rạp hợp pháp được quyền nhập khẩu phim “Ai nắm nhiều rạp trong tay, người đó sẽ thắng”. Điều này đã đúng trong thời gian qua, tuy nhiên, trong một hai năm trở lại đây, khi các bộ phim “made in Việt Nam” đang dần dần được người xem quan tâm, các đơn vị sản xuất phim (cả tư nhân và nhà nước) đang bắt đầu cạnh tranh nhau trên rạp thì một câu hỏi được đặt ra: Các đơn vị sản xuất phim có nên có rạp trong tay”.

Rạp chiếu bóng Thăng Long tại TP Hồ Chí Minh.
Nguyên nhân đầu tiên của câu hỏi này xuất phát từ việc rất nhiều phim không được đánh giá là phim hấp dẫn theo nghĩa thị trường nhưng được đánh giá là phim nghiêm túc, có chất lượng như phim Mê Thảo – Thời vang bóng, Mùa ổi... không được các rạp – các nhà phát hành phim “mặn mà” trong việc đưa bộ phim đến với khán giả.
Hầu như các phim trên sau khi sản xuất xong không được công chiếu ngay mà thường phải một, hai năm sau hoặc được “để dành” đợi nhân dịp kỷ niệm gì đó mới chính thức ra mắt khán giả. Phim Chiến dịch trái tim bên phải của Hãng Phim truyện Việt Nam là một ví dụ. Với nội dung trẻ trung, sôi động và có sự tham gia của người mẫu Hồ Ngọc Hà khiến cho bộ phim này cũng thu hút được sự chú ý của một lượng người xem nhất định.
Khi phim sản xuất xong, được đánh giá là sẽ có khán giả. Hãng quyết định tự “bán hàng” thì... chỉ có 2/6 rạp ở Hà Nội nhận phát hành (lại là 2 rạp vốn chưa có đông người xem) vì hợp đồng lịch chiếu phim ở các rạp đã kín mít, không thể nào lách vào nổi. Thế là Chiến dịch trái tim bên phải cũng chẳng công chiếu được bao lâu, lại cất vào kho và khán giả thì bị thu hút vào những bộ phim mới sản xuất khác hấp dẫn hơn.
Phim được sản xuất ra không có người xem hoặc không có địa điểm để phát hành thì có lẽ đau xót nhất là người làm phim. Càng ngày số tiền làm phim càng lớn, từ một – hai tỷ đến hơn chục tỷ một bộ phim song với những chi phí khoảng vài chục triệu đến vài trăm triệu để quảng cáo, để thu hút sự chú ý của khán giả tới bộ phim thì lại không được chú ý đến.
Đó là chưa kể đến sự thiếu kế hoạch, thiếu tính chuyên nghiệp của các đơn vị nhà nước trong việc phát hành phim. Thói quen chỉ lo sản xuất mà không để ý tới khâu phát hành sẽ còn gây nhiều lãng phí, bởi sẽ có nhiều phim không hay được sản xuất, nhiều phim không phát hành được và không được phát hành.
Thiết nghĩ, không giống như các hãng phim tư nhân chắc chắn sẽ chỉ sản xuất phim ăn khách với những chiến lược quảng cáo rầm rộ, tỷ lệ ăn chia lớn... được các rạp luôn mở rộng cửa, các hãng phim nhà nước bên cạnh dòng phim giải trí thì nhiệm vụ chính vẫn là những phim nghệ thuật, phim đặt hàng của nhà nước.
Đó là dòng phim không thể thiếu vắng đối với nền điện ảnh của một nước, nên dù thu hút được khán giả hay không thì dòng phim này sẽ vẫn hiện hữu trong hoạt động điện ảnh cũng như đời sống sinh hoạt tinh thần của nhân dân.
Để tránh tình trạng phải xếp kho dài dài, tránh lãng phí thêm tiền của nhà nước, nên chăng mỗi hãng nên được giao quản lý một rạp chiếu phim để có thể hoàn toàn chủ động trong việc lên lịch phát hành phim, đưa những tác phẩm điện ảnh kén khách đến với công chúng một cách rộng rãi hơn mà không phải phụ thuộc vào sự “để ý” các chủ rạp.
THU HIỀN