Hai vợ chồng ở thôn 4, xã Quảng Minh, TP Sầm Sơn có lẽ sẽ không bao giờ tha thứ cho bản thân và cũng không thể quên được buổi trưa định mệnh vào ngày 25-11 vừa qua, chỉ vì quyết định khóa cửa đi làm, để 3 con trai nhỏ (một cháu 5 tuổi, cháu Bảo 4 tuổi, một cháu 2 tuổi) chơi trong nhà. Khi ngọn lửa bất ngờ bùng lên, hàng xóm dù rất nỗ lực phá cửa nhưng cũng chỉ vào cứu kịp 2 cháu, còn bé Bảo đã không cứu được. Dư luận bàng hoàng nhưng cũng vừa trách vừa thương đôi vợ chồng nghèo bất hạnh trước quá sơ sẩy, chủ quan đã gây ra nỗi đau và sự mất mát họ phải đeo mang suốt cuộc đời.
Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2017, cả nước đã xảy ra hơn 3.000 vụ cháy, làm chết 75 người, bị thương 143 người, thiệt hại về tài sản hơn 1.500 tỷ đồng. Theo lực lượng Cảnh sát PCCC, nhiều người thân của các nạn nhân khi xảy ra vụ việc đau lòng mới giật mình nhìn nhận từ trước đến nay, gia đình mình đã là nạn nhân “tiềm năng” chỉ vì thiếu những kiến thức tưởng như rất nhỏ nhặt. Trong đó, phổ biến nhất vẫn là xây, sửa nhà kiên cố để “ngăn trộm” nhưng quên mất điểm yếu chết người là thiếu lối thoát hiểm. Ở những căn nhà này, khi xảy ra cháy, gần như sẽ có thiệt hại về người, bởi nạn nhân không có cách nào thoát thân trước “chuồng cọp” kiên cố hoặc nhà chỉ độc nhất lối thoát hiểm khi lối thoát đó lại đang cháy lớn, khói mịt mù. Chưa kể, xu hướng kín cổng cao tường, phòng bị kẻ trộm nên nhà nào (có điều kiện) cũng lắp đặt mấy lớp cửa, đến cả cửa sổ cũng có song sắt khiến người bên trong nhà không thể thoát ra. Nguy hiểm nhất nhưng lại ít được chú ý nhất, đó là hệ thống khóa cửa. Với những cánh cửa cuốn, mở khóa điện, tuy hiện đại nhưng khi mất điện thì không khác gì nhà tù, cho dù có hệ thống mở bằng cơ thủ công. Các loại khóa cửa chính hiện được sử dụng phổ biến là loại khóa ngoài, khóa trong, dùng chìa để mở. Nhiều nhà có 3 lớp cửa lại dùng 3 loại khóa khác nhau. Vì thế, khi có nạn, trong cơn hoảng loạn, cuống quýt không tìm được chính xác chìa khóa, hoặc do có vật cản, không thể vào nơi để chìa khóa khiến người trong nhà tự giam mình, không thể thoát thân.
Trong nhiều trường hợp khác, nạn nhân cũng không hề biết khi có hỏa hoạn, nguy cơ chết ngạt vì ngộ độc khói còn cao hơn rất nhiều so với bị bỏng, chết cháy. Nhiều người khi thấy lửa thường hoảng loạn, chỉ biết kêu la cứu mạng chứ không biết cách dùng nước, khăn, chăn ướt đắp lên người và cố gắng băng qua đám cháy để tìm con đường sống. Những trường hợp này có thể bị bỏng nhưng cơ hội sống sót cao hơn, thay vì mất mạng oan uổng…
Thực tế này đã chứng minh kỹ năng sống và đối phó với các tình huống thiên tai, tai nạn, cháy nổ... ở nước ta vẫn chưa được truyền đạt và tiếp thu bài bản, nhất là với trẻ em. Ở nước ngoài, người dân luôn được trang bị những kiến thức thuần túy, gắn liền với thực tế để có thể sống sót trước các thảm họa. Ví dụ tại Nhật Bản, trẻ em được học và diễn tập định kỳ để đối phó với động đất và những hệ lụy thiên tai kéo theo. Tại Việt Nam, việc hướng dẫn đề phòng và ứng phó với các tình huống thiên tai, tai nạn, cháy nổ... chưa tạo thành hệ thống, cũng như chưa có giáo trình bài bản như một bộ môn bắt buộc. Và thực tế, nếu có đưa vào thì kiến thức cũng mang nặng giáo lý, ít tình huống thực hành, vì thế kém thu hút. Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia, ý thức của người dân hiện vẫn chưa cao, chưa ý thức rõ được vai trò, trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Các cơ quan truyền thông cũng như lực lượng cảnh sát tuy có không ít biện pháp tuyên truyền tới người dân, nhưng nhiều người thường có thái độ khá thờ ơ, bàng quan. Chính quyền nhiều nơi cũng còn tắc trách, lơi lỏng trong quản lý, thực hiện phòng chống cháy nổ, từ khâu duyệt thiết kế xây sửa nhà, tuyên truyền giáo dục cũng như quản lý các cơ sở hoạt động kinh doanh, sản xuất có biểu hiện vi phạm quy định về cháy nổ…
Trước nhiều sự việc đau lòng đã xảy ra, cơ quan chức năng cần nghiêm túc đánh giá đúng tầm quan trọng của việc rèn luyện các kỹ năng sống cơ bản, để từ đó đưa vào chương trình học chính thức cũng như ngoại khóa hoặc có biện pháp tuyên truyền rộng rãi trong dân để người dân “thấm” và biết cách bảo vệ bản thân cùng gia đình một cách hiệu quả trước các sự cố và hiểm họa diễn ra ngày càng thường xuyên hiện nay.