Ghi nhận tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương cho thấy, những ngày gần đây, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho trên 10 bệnh nhi liệt dây thần kinh ngoại biên số 7 gây ra tình trạng liệt mặt, méo miệng.
Theo bác sĩ Đặng Thị Hoàng Tuyên, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Châm cứu Trung ương, thời tiết mưa rét, lạnh đột ngột, nhiệt độ ngày đêm chênh lệch cao là yếu tố làm gia tăng bệnh nhân mắc các triệu chứng của liệt dây thần kinh ngoại biên số 7. Khi gặp lạnh, dây thần kinh số 7 bị tổn thương gây phù nề, viêm nhiễm. Từ đó gây ra bệnh với các biểu hiện như: miệng lệch sang một bên, khó nói, mắt nhắm không kín, khi ăn miệng méo sẽ gây rơi vãi thức ăn, đồ uống ở bên bị liệt. Những trẻ có nhiều nguy cơ mắc bệnh này là trẻ có sức đề kháng kém khi gặp lạnh như đi học lúc sáng sớm không được giữ ấm, không đeo khẩu trang, tắm muộn… Với những trường hợp đã được chẩn đoán bị liệt dây thần kinh số 7 do lạnh, các bác sĩ sẽ dùng phương pháp điện châm, xoa bóp bấm huyệt, thủy châm, chiếu tia hồng ngoại, cứu ngải.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương và Bệnh viện Thanh Nhàn cho thấy, số người cao tuổi phải nhập viện vì tai biến não, đột qụy, liệt nửa người do thời tiết rét buốt gây ra cũng có chiều hướng gia tăng.
Theo các bác sĩ, vào các đợt rét đậm, trung bình số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ, tai biến mạch máu não tăng 15% - 30%, nhất là ở những người cao tuổi có tiền sử tăng huyết áp. Vì khi thời tiết giá lạnh, mạch máu sẽ giảm tính đàn hồi, lòng mạch bị thu hẹp khiến lưu lượng máu đến não giảm 1/5 so với bình thường, đặc biệt ở người cao tuổi. Mặt khác, các mạch máu dễ co lại làm tăng huyết áp, tăng áp lực trong lòng mạch. Với người đã có biến chứng xơ vữa động mạch hay huyết khối, mạch máu dễ bị tắc, thậm chí có thể vỡ mạch máu dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ.
Các bác sĩ khuyến cáo, trong thời tiết rét đậm, người dân, nhất là người già và trẻ nhỏ cần đảm bảo giữ ấm cơ thể, không được tắm quá muộn, tắm nước lạnh, hạn chế uống rượu bia. Người già không nên đi tập thể dục quá sớm, buổi sáng ngủ dậy nên ở trong phòng ấm 10 - 15 phút làm quen thời tiết trước khi ra ngoài. Nên ăn uống các thức ăn ấm nóng, giàu dinh dưỡng. Những bệnh nhân huyết áp cao, béo phì, tiểu đường cần tuân thủ điều trị.
Trước tình hình thời tiết rét đậm, rét hại còn kéo dài, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các bệnh viện trực thuộc trên địa bàn thành phố phải chuẩn bị đầy đủ phương tiện phòng, chống rét cho người bệnh trong quá trình khám chữa bệnh, nơi chờ khám bệnh, các buồng điều trị phải kín gió, có đủ chăn, đệm và lò sưởi. Đồng thời các bệnh viện phải bố trí đầy đủ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, phương tiện cấp cứu để kịp thời xử lý các trường hợp mắc các bệnh đột ngột do cảm lạnh, viêm đường hô hấp cấp, các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ...