Năm học 2012-2013, toàn thành phố có 76.500 học sinh tốt nghiệp THCS nhưng chỉ có hơn 59.000 chỉ tiêu vào lớp 10 công lập. Như vậy sẽ có hơn 16.000 học sinh phải rẽ sang những hướng đi khác. Song không vì thế cuộc đua giành thí sinh giữa các trường THPT ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) và các trường TCCN bớt căng thẳng.
Nhiều ưu đãi
Thông báo tuyển sinh năm học 2012-2013, Trường THPT dân lập Hồng Hà (quận Phú Nhuận) miễn giảm ngay 5% học phí đối với những học sinh đóng trước học phí 3 tháng, giảm 10% đối với các trường hợp anh/chị em ruột học cùng trường. Ngoài ra, trong quá trình theo học tại trường, học sinh đạt học lực từ tiên tiến trở lên còn được xem xét miễn giảm thêm 10% - 20% học phí. Tương tự, Trường THPT dân lập Thành Nhân (quận Tân Phú) năm nay cũng áp dụng chế độ miễn, giảm học phí đối với học sinh đạt thành tích xuất sắc trong học tập.
Theo đó, những em đạt danh hiệu học sinh xuất sắc ở mỗi học kỳ được giảm 50% học phí học kỳ kế tiếp. Đối với những trường hợp đạt danh hiệu học sinh giỏi cuối năm sẽ được giảm 10% học phí học kỳ 1 năm học kế tiếp. Riêng ở Trường THPT Vĩnh Viễn (quận Tân Phú), năm học 2012 - 2013 ngoài 400 chỉ tiêu bán trú và nội trú, trường còn tuyển thêm 200 chỉ tiêu lớp học 1 buổi/ngày dành cho những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn với học phí ưu đãi 500.000 đồng/tháng. Trường THPT Đại Việt (quận Gò Vấp) đang thực hiện chương trình Ưu đãi tháng 7, giảm ngay 20% học phí cho tất cả học sinh nộp hồ sơ nhập học từ 10 – 31-7. Cá biệt, Trường THPT Thăng Long (quận 5) chọn hình thức áp dụng cơ chế “3 không” đối với tất cả học sinh đăng ký nhập học: không thu tiền cơ sở vật chất, không thu quỹ hội cha mẹ học sinh và không thu phí giữ xe suốt thời gian theo học.
Ngoài các trường THPT ngoài công lập, cuộc đua giành thí sinh rớt lớp 10 công lập còn có sự tham gia của các trường TCCN (tuyển sinh hệ 3,5 - 4 năm dành cho thí sinh tốt nghiệp THCS) và trung tâm GDTX trên địa bàn 24 quận, huyện. Chỉ tính riêng trong năm 2011, toàn thành phố đã có 5 dự án cải tạo, xây dựng mới trung tâm GDTX khởi công xây mới, nâng tổng số phòng học tăng thêm 75 phòng. Đó là các dự án xây dựng trung tâm GDTX quận 10, Bình Tân, Bình Chánh, quận 2 và Thủ Đức.
Trước đó, năm 2010 cũng có 2 dự án trung tâm GDTX được xây mới, bắt đầu đưa vào sử dụng trong năm nay là trung tâm GDTX huyện Nhà Bè và trung tâm GDTX quận Bình Thạnh. Tuy nhiên, do hoạt động theo cơ chế miễn giảm, thu chi học phí công lập theo quy định chung của thành phố nên công tác tuyển sinh qua nhiều năm ở hệ GDTX không có nhiều thay đổi. Trong khi đó, ở các trường TCCN, cuộc đua khuyến mãi nhằm thu hút thêm học viên diễn ra hết sức căng thẳng.
Hiệu trưởng một trường TCCN lâu năm ở TPHCM cho biết trong khi các trường ĐH, CĐ không ngừng mở rộng quy mô đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh năm sau luôn cao hơn năm trước thì ở khối các trường TCCN, con số này không có nhiều biến chuyển. Trường hợp tăng cũng dao động quanh mức 10% - 15% chỉ tiêu năm trước. Thậm chí nhiều nơi, tuyển được 50% - 60% chỉ tiêu đề ra đã thành công lớn. Do đó, mỗi năm vào khoảng tháng 6, tháng 7, các trường lại lao vào cuộc chạy đua giành thí sinh cho đủ chỉ tiêu đăng ký.
Tuyển sinh năm nay, Trường Công nghệ Bách khoa TPHCM (Aptech) có chương trình khuyến mãi, học sinh đăng ký nhập học trước ngày 31-7 được hỗ trợ ngay 1 triệu đồng học phí, miễn phí toàn bộ học phí các lớp tin học và anh văn trình độ A, B. Tương tự, tại Trường Trung cấp Bến Thành, khi đóng toàn bộ học phí năm đầu, học sinh sẽ được giảm ngay 5% học phí; đóng học phí trọn gói toàn bộ khóa học, mức giảm sẽ tăng lên 10%. Riêng ở Trường Trung cấp Việt Khoa, học viên chỉ cần đóng trước 50% học phí là nhập học. Tương tự, Trường Trung cấp Tây Bắc cho phép học viên chia nhỏ học phí ra thành nhiều đợt, đợt đầu chỉ cần đóng trước 500.000 đồng là nhập học…
Định hướng phù hợp
Thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, năm học 2012-2013, tổng chỉ tiêu xét tuyển lớp 10 hệ bổ túc của các trung tâm GDTX trên địa bàn 24 quận, huyện hơn 9.000 chỉ tiêu. Các trường TCCN cũng có hơn 2.800 chỉ tiêu xét tuyển học sinh tốt nghiệp THCS. Riêng hệ thống các trường THPT ngoài công lập, con số này là 22.000 chỉ tiêu. Như vậy, sẽ có ít nhất 30.000 “cơ hội” xét tuyển cho học sinh rớt lớp 10 công lập.
Tuy nhiên trên thực tế, không phải học sinh rớt lớp 10 công lập nào cũng có đủ dũng khí rẽ hướng sang học nghề ở các trường TCCN, trong khi học phí trung bình ở các trường THPT ngoài công lập hiện nay, dao động quanh mức 2 - 8 triệu đồng/tháng lại vượt quá khả năng của không ít gia đình. Vì vậy, đã có không ít trường hợp bỏ dở con đường học vấn, lao vào đời kiếm sống với đủ thứ nghề lao động chân tay khác nhau, thu nhập bấp bênh, bằng cấp không có, tương lai không đảm bảo.
Do đó, theo ông Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, công tác hướng nghiệp của nhà trường và gia đình hết sức quan trọng. Nếu chẳng may trượt lớp 10 công lập, học sinh cần kịp thời được tư vấn để hiểu rõ về năng lực, sức khỏe, sở thích của bản thân cũng như các điều kiện kinh tế của gia đình, từ đó chọn hướng đi phù hợp. Hiện Nhà nước có rất nhiều chính sách khuyến khích học sinh sau tốt nghiệp THCS vào học nghề ở các trường TCCN. Sau khoảng 3,5 - 4 năm học tập, các em được cấp bằng tốt nghiệp TCCN, lấy đó làm bệ phóng thi tiếp vào các trường ĐH, CĐ trong cả nước mà không cần bằng tú tài hoặc tham gia trực tiếp vào lao động sản xuất, nuôi sống bản thân và gia đình.
Thu Tâm