Rục rịch 4G

Theo quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ năm 2015 trở đi sẽ nghiên cứu và áp dụng công nghệ 4G tại Việt Nam. Với chủ trương này, những động thái của các nhà mạng, nhà cung cấp dịch vụ trong thời gian gần đây đã cho thấy việc triển khai công nghệ 4G cho di động đang được chuẩn bị khá kỹ và dĩ nhiên vẫn có những ý kiến riêng…
Rục rịch 4G

Theo quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ năm 2015 trở đi sẽ nghiên cứu và áp dụng công nghệ 4G tại Việt Nam. Với chủ trương này, những động thái của các nhà mạng, nhà cung cấp dịch vụ trong thời gian gần đây đã cho thấy việc triển khai công nghệ 4G cho di động đang được chuẩn bị khá kỹ và dĩ nhiên vẫn có những ý kiến riêng…

Smartphone đã trở nên thân thiết và hữu dụng với người dùng, là một lợi thế phát triển 4G.
Ảnh: Đức Cường

Nhìn từ 3G

Cách đây 3 - 4 năm, Bộ TT-TT đã cấp giấy phép cho 5 doanh nghiệp gồm FPT Telecom, VNPT, Viettel, CMC và VTC thử nghiệm 4G-LTE. Được biết, các nhà mạng lớn như Viettel, Vinaphone, MobiFone đã thử nghiệm thành công 4G trên diện rộng ở một số thành phố lớn. Việc đầu tư mạng lưới của 3 nhà mạng này từ cuối năm 2014 đã hướng đến 4G và tích hợp công nghệ 4G trên hệ thống mạng lưới hiện có. Đến nay, việc triển khai 4G đã được đưa lên bàn hội nghị nhiều lần, trong đó vẫn còn một số ý kiến lo lắng …

Đại diện Viettel cho biết, doanh nghiệp này đã triển khai thí điểm dịch vụ 4G ở Lào và Campuchia qua các mạng Unitel và Metfone, nhưng hiện nay vẫn cân nhắc việc có triển khai 4G trên diện rộng tại Việt Nam hay không. Bởi theo tính toán của Viettel, điều kiện kinh tế của phần lớn người dân Việt Nam chưa thích hợp để mua thiết bị đầu cuối có hỗ trợ công nghệ này với mức giá 60-70USD, đây là rào cản trong việc thu hút số đông người dùng. Bên cạnh đó, suất đầu tư 3G khá lớn và hiện nay mạng 3G vẫn chưa sử dụng hết công suất.

Còn theo ông Đỗ Vũ Anh, Trưởng ban Viễn thông Tập đoàn VNPT, sau khi từ 2G lên 3G, hiện các nhà mạng vẫn loay hoay với việc thúc đẩy nội dung 3G. Thống kê cho thấy phần lớn khách hàng thường chọn gói 3G rẻ. Nếu lại tiếp tục phát triển 4G không hợp lý, sẽ rơi vào tình trạng giống như làm thêm đường cao tốc nhưng xe cộ vắng vẻ…

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng bản thân các doanh nghiệp di động cũng đầu tư rất tốt cho 3G. Do đó, nếu họ tiếp tục lộ trình nâng cấp 3G lên 3,5G, 3,9G thì công nghệ này vẫn đáp ứng đủ nhu cầu về dịch vụ dữ liệu di động cho người dùng Việt Nam. Bên cạnh đó, giá thành 3G tại Việt Nam tuy thuộc hàng rẻ nhất thế giới, nhưng chất lượng vẫn gây nhiều ý kiến trái chiều, đòi hỏi nhà mạng phải liên tục nâng cao chất lượng, hệ thống… Số lượng thuê bao 3G tại Việt Nam hiện nay vẫn chỉ gần 30 triệu người, chiếm tỷ lệ khoảng 30% trên tổng số thuê bao di động. Điều đó cho thấy tiềm năng 3G tại Việt Nam vẫn còn rất lớn.

“Đường đi” đã có lối

Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng cho biết, căn cứ theo quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia mà Thủ tướng phê duyệt, trong năm 2014, Bộ TT-TT đã cho phép các doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ 4G ở một số băng tần. Đầu tháng 3-2015, Bộ TT-TT đã ban hành thông tư cho phép triển khai công nghệ 4G ở băng tần 1.800 MHz mà hiện nay các nhà mạng đang sử dụng cho mạng 2G.

Theo lộ trình, năm 2015 Bộ TT-TT sẽ cho phép thử nghiệm ở băng tần 1.800 MHz, còn băng 2.600 MHz đã được thử nghiệm trong năm 2014. Bắt đầu năm 2016 sẽ chính thức cấp phép cho triển khai 4G tại Việt Nam. Trước mắt có thể thí điểm tại một số thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, nơi người dân có nhu cầu sử dụng lớn.

Trong một cuộc họp báo mới đây được tổ chức tại TPHCM, ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam, cho rằng bây giờ là thời điểm thích hợp để cấp phép 4G tại Việt Nam vì thiết bị đầu cuối ngày càng có mức giá phù hợp. Số lượng thiết bị đầu cuối tích hợp 4G trên thế giới sẽ tăng vọt, kéo giá thành sản phẩm giảm xuống, tiếp cận được với người dùng phổ thông. Theo ông, 2017 - 2018 là thời điểm phù hợp để ra các dịch vụ 4G thương mại, tức là sau khi các doanh nghiệp được cấp phép khoảng 2 - 3 năm. Khi đó, số lượng người dùng 3G tại Việt Nam nhiều khả năng sẽ tăng lên, chiếm tỷ lệ 50% đến 60% người dùng di động - ngang bằng với các nước “sẵn sàng cao cho 4G” hiện nay.

Ông Nam khẳng định: “Việt Nam rất thuận lợi về băng tần nhờ có quy hoạch băng tần rất hợp lý, mang tầm nhìn dài hạn từ phía Chính phủ”.

Hiện nay có khoảng 500 triệu thuê bao 4G trên thế giới. Sự phát triển của 4G rất nhanh, hầu hết thuê bao 4G trên thế giới là multimode, nghĩa là dùng cả 3G lẫn 4G. Một điểm rất quan trọng là 4G có giá thành rẻ hơn 3G và 2G rất nhiều. Sự chuyển đổi từ 2G sang 3G là sự chuyển đổi những dịch vụ di động cơ bản như nghe gọi, SMS sang dịch vụ data vì 3G cung cấp dịch vụ di động băng rộng hoàn toàn khác.

TRẦN LƯU - BÁ TÂN

Tin cùng chuyên mục