Bàn về run tay thì mười người hết chín nghĩ ngay đến bệnh Parkinson. Run tay vì thế thường được xem như bệnh của người già.
Nhưng nếu tưởng run tay chỉ xảy ra ở người cao tuổi, ở nạn nhân chấn thương sọ não, nghĩa là có nguyên nhân nào đó thực thể cũng tuy đúng nhưng không hoàn toàn chính xác. Bằng chứng là hiện nay không thiếu người còn trẻ nhưng lại run tay, nhất là khi cảm xúc, khi tập trung tư tưởng, khi người khác chú ý đến mình. Lý do vì dẫn truyền thần kinh không vượt qua giao điểm với vận tốc như mong muốn, như trường hợp của người đang phải ngày đêm bầu bạn với… stress!
Thống kê được thực hiện vào cuối năm 2013 với 100 nhân viên văn phòng trong độ tuổi 30 - 40 ở TPHCM cho thấy, không dưới 15% đang là nạn nhân của tình trạng run tay khi cầm viết, khi ngồi lâu trước máy vi tính, khi phải thuyết trình, khi đói bụng. Đừng dựa vào con số phần trăm còn thấp rồi xem đó như chuyện không có gì quan trọng. Tỷ lệ này, nếu ở người còn trẻ là con số quá cao! Vì không đến độ phải kêu ngay xe cấp cứu nên nạn nhân thường xem như… chuyện nhỏ! Tình trạng này chỉ được phát hiện khi người khác nhận ra là nạn nhân này rất dễ đánh rơi đồ vật như bút, điện thoại. Chính vì thế đa số nạn nhân ít khi gõ cửa thầy thuốc trước khi bệnh trở thành nhiêu khê.
Nếu nghĩ run tay khi mệt mỏi là chuyện bình thường thì sai. Bằng chứng là không hẳn ai mệt cũng run. Dấu hiệu này cho thấy:
* Tuyến thượng thận hoạt động cường điệu như thường gặp ở người phải đồng hành cùng stress.
* Tuyến giáp trạng gia tốc vì gia chủ có quá nhiều đợt cảm xúc, giận dữ trong ngày.
* Nạn nhân có thể là thủ phạm mà không hay vì lạm dụng các loại thuốc giảm đau, an thần, hưng phấn thần kinh.
Vấn đề lại không chỉ có thế! Đừng quên là run tay bao giờ cũng kéo theo triệu chứng khác. Người căng đầu đến độ tay run khó tránh căng mắt vì tăng áp lực nội nhãn. Hơn ¾ trong số run tay đồng thời đang đau đầu, mỏi gáy, chóng mặt, hồi hộp, mất ngủ… vì rối loạn điều tiết thị giác do ngồi quá lâu, ngồi sai tư thế trước máy vi tính. Phần lớn trong số đó, vì không đến thầy thuốc khoa mắt, nên “bị” chẩn đoán và điều trị trật đường theo hướng thoái hóa đốt sống cổ, viêm xoang, rối loạn tiền đình… Hiệu quả chắc chắn là chuyện may rủi!
Nói chung, hai tuyến nội tiết khó tránh trục trặc ở người coi bề ngoài còn khỏe nhưng tay lại run là tuyến thượng thận và tuyến giáp trạng. Riêng với phái nữ, người gặp trục trặc với chuyện kinh nguyệt càng dễ run tay khi gần đến kỳ kinh. Đó là lý do tại sao thầy thuốc sành cây thuốc bao giờ cũng kết hợp dược thảo vừa có công năng cải thiện tuần hoàn, vừa tác động trên trục tuyến yên – thần kinh ngoại biên trong toa thuốc trị run tay, thay vì chỉ cho thuốc an thần vì sau giấc ngủ vùi đâu lại hoàn đó, thậm chí run hơn!
Trong bối cảnh của cuộc sống “công nghiệp” hiện nay, ai không căng thẳng mới là chuyện lạ. Trong mọi trường hợp, khó chữa run tay nếu không giải quyết được chuyện “căng đầu”. Cần gì phải đợi đến già!
Bác sĩ LƯƠNG LỄ HOÀNG