Hãng Reuters ngày 3-5 đưa tin cảnh sát Trung Quốc đã triệt phá đường dây tội phạm biến thịt chuột cống thành thịt cừu, thu về lợi nhuận hàng triệu USD. Đây là một phần trong chiến dịch truy quét tội phạm về an toàn thực phẩm tại Trung Quốc từ tháng 1 năm nay. Một lần nữa, vấn đề an toàn thực phẩm và đạo đức trong kinh doanh lại khiến người dân Trung Quốc hoang mang.
Hơn 20.000 tấn thịt giả, nhiễm độc
Bộ Công an Trung Quốc cho biết, 63 người liên quan đến đường dây kinh doanh từ năm 2009 thu về khoản tiền “bẩn” trị giá hơn 1,6 triệu USD, đã bị bắt giữ. Theo kết quả điều tra, một người đàn ông họ Wei đã cho thêm một số chất phụ gia vào thịt chuột cống, thịt cáo hay chồn để giả làm thịt cừu giúp những người này bán với mức giá cao. Các chợ ở TP Thượng Hải và tỉnh Giang Tô là nơi tiêu thụ chính sản phẩm thịt giả này. Vụ triệt phá đường dây thịt chuột cống giả thịt cừu nằm trong chiến dịch truy quét tội phạm về an toàn thực phẩm trên phạm vi toàn Trung Quốc bắt đầu từ tháng 1 năm nay. 904 nghi phạm, hơn 20.000 tấn thịt giả, thịt nhiễm độc đã bị bắt và thu giữ. Ở khu vực Nội Mông, Đông Bắc Trung Quốc, 23 tấn thịt bò sấy giả và thịt đông lạnh nhiễm khuẩn đã bị phát hiện. 6 nghi phạm ở tỉnh Quý Châu, Tây Nam Trung Quốc cũng bị bắt với 8,8 tấn chân gà nhiễm độc do tẩm ướp với các loại phụ gia trái phép. Chân gà nướng hoặc luộc là món khoái khẩu của đại bộ phận người dân Trung Quốc. Ngoài ra, còn rất nhiều trường hợp bán thịt heo, vịt đã chết vì bệnh dịch, tiêm nước vào thịt heo để tăng trọng lượng cũng bị Bộ Công an Trung Quốc phát hiện trong thời gian qua.
Bộ Công an Trung Quốc cảnh báo tội phạm về an toàn thực phẩm đang có nhiều chiêu trò mới, thủ đoạn khó lường. Các cơ quan chức năng không được phép xao lãng, buông lỏng quản lý về lĩnh vực này.
Dư luận bất bình
Các trang mạng xã hội, diễn đàn của Trung Quốc trong ngày 3-5 dậy sóng. Một ý kiến trên mạng xã hội Weibo mỉa mai rằng: “Đã có bao nhiêu con chuột cống được làm giả thịt cừu? Do thịt chuột rẻ hơn thịt cừu hay là họ cảm thấy “cắn rứt” khi không được làm thịt giả”. Rất nhiều ý kiến khác thì tỏ ý mất lòng tin vào khả năng quản lý thực phẩm của cơ quan chức năng Trung Quốc. Tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã cam kết rằng cải thiện an toàn thực phẩm là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, Giáo sư Mao Shoulong thuộc Trường Đại học Renmin ở Bắc Kinh cho rằng, cam kết của chính phủ sẽ rất khó được thực hiện nếu như không kiểm soát được việc sử dụng các công nghệ tiên tiến trong sản xuất thực phẩm hiện nay.
Vụ thịt giả này một lần nữa gợi lại “bóng ma” sữa nhiễm melamine hồi năm 2008 làm 6 trẻ em thiệt mạng, 300.000 em bị sạn thận. Vấn đề an toàn thực phẩm tại quốc gia 1,3 tỷ dân đang bị đặt trước những thách thức.
Đỗ Cao (tổng hợp)
| |