Sách văn học 2007: Một nốt trầm

Mạnh nhưng không cân đối
Sách văn học 2007: Một nốt trầm

Năm 2007, xuất bản nước ta ghi thêm một dấu son về số lượng xuất bản với 26.609 tên sách cùng 276,447 triệu bản sách, tăng hơn 20% so với năm 2006. Thế nhưng, giữa những con số đẹp đẽ đó lại nảy ra một con số không mấy vui vẻ, sách văn học giảm đến gần một nửa.

Mạnh nhưng không cân đối

Sách văn học 2007: Một nốt trầm ảnh 1

Nhu cầu đọc sách luôn rất lớn, nhưng đọc sách gì lại là chuyện khác. Ảnh: TƯỜNG VY

Theo báo cáo tổng kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 42 CT/TW của Ban Bí thư về việc nâng cao năng lực xuất bản, năm 2007 đánh dấu một sự mất cân bằng trầm trọng trong lĩnh vực xuất bản Việt Nam. Có đến 80% lượng sách xuất bản trên thị trường là sách giáo khoa, giáo trình, sách tham khảo dành cho nhà trường, trong khi đó, số sách phục vụ các nhu cầu khác chỉ chiếm 20%. Trong số sách phục vụ nhu cầu khác đó, sách văn học không những chỉ chiếm một góc nhỏ bé mà còn tụt giảm hẳn so với những năm trước đó. Năm 2007, cả nước chỉ xuất bản 1.828 tên sách văn học với 2,135 triệu bản, giảm 47,6% về số lượng so với năm 2006.

Một điều khá đặc biệt là ngược lại với mảng sách văn học, mảng sách văn hóa - xã hội, nghệ thuật, tôn giáo lại có mức tăng suýt soát với mức giảm của sách văn học. Năm 2007, có 4.297 tên sách được xuất bản với lượng in đạt 8,911 triệu bản, tăng 50,4% về số lượng. Với mức tăng như vậy, số tên sách thuộc mảng này trong năm 2007 đạt gần gấp 3 lần so với sách văn học và gấp hơn 4 lần về số lượng bản sách ra thị trường. Đây cũng là mảng sách có sức tăng mạnh nhất, ngoài ra tất cả các mảng sách còn lại cũng đều tăng.

Trong những con số tăng giảm đó thể hiện một tỷ lệ nghịch theo chiều hướng không hay. Nếu sách văn học, loại văn hóa phẩm được đánh giá là nâng cao tâm hồn, đưa người đọc đến với những giá trị nhân văn cao cả sút giảm thì trong loại sách văn hóa - xã hội, nghệ thuật, tôn giáo, mảng sách chiêm tinh, bói toán, phong thủy… lại phát triển mạnh. Tất nhiên, loại sách này cũng có những giá trị của nó nhưng đây cũng là loại sách dễ xuất hiện tình trạng mê tín dị đoan và thực tế như nhận xét của đại diện Cục Xuất bản là năm 2007, nhiều đơn vị xuất bản đã để cho loại sách có tính chất mê tín phát tán số lượng lớn ra thị trường.

Bản quyền - nguyên nhân của sự suy giảm

Nhận định về tình trạng này của sách văn học, ông Nguyễn Kiểm, Cục trưởng Cục Xuất bản đã đưa ra hai lý do chính. Thứ nhất năm 2007 là năm ngành xuất bản phải phân tán nguồn lực thực hiện nhiều loại sách phục vụ truyền thống, tuyên truyền cho các ngày lễ lớn, nên không đảm bảo số lượng sách khác. Thứ hai và cũng là quan trọng nhất là cả hai nguồn sách văn học chính là nguồn sách dịch và văn học trong nước đều sụt giảm. Sách dịch thì do ảnh hưởng của công ước Berne về bản quyền đã buộc các NXB phải lựa chọn, đắn đo khi dịch chứ không thể tùy tiện như trước. Sách văn học trong nước năm nay vì thiếu những tác phẩm gây được dư luận nên sức thu hút cũng giảm.

Giao lưu “Ngôi sao và sách”

Sách văn học 2007: Một nốt trầm ảnh 2

Chiều 15-3, tại Hội sách TPHCM lần thứ 5 – 2008, SachHay.com tổ chức chương trình giao lưu “Ngôi sao và sách” với chủ đề Ngôi sao làm đại sứ cho sách. Hơn 100 bạn trẻ, sinh viên, học sinh, những người thích đọc sách đã đặt ra nhiều câu hỏi thú vị với các ngôi sao là diễn viên Hồng Ánh, ca sĩ Hồ Ngọc Hà, ca sĩ Đức Tuấn, nhạc sĩ Lê Quang, nhà thiết kế Sĩ Hoàng (ảnh), xung quanh thói quen, sở thích đọc sách, tầm quan trọng của việc đọc trong đời sống, hiệu quả của sách đối với công việc của mỗi người, những kỷ niệm vui buồn với sách…

L.T.B.

Trong hai lý do trên, ảnh hưởng của vấn đề bản quyền được xem là nguyên nhân chính khiến sách văn học giảm sút. Điều này đã được cảnh báo ngay từ khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập công ước Berne. Theo ông Phạm Sỹ Sáu, Trưởng ban bản quyền NXB Trẻ thì việc mua bản quyền trong bối cảnh xuất bản Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, số lượng phát hành thấp nên đối tác không muốn bán, tình trạng sách lậu gây khó khăn cho việc phát hành và nhất là vấn đề vốn. Cụ thể như bộ sách Harry Potter, đến những tập cuối, bên đối tác biết rõ nhu cầu phải mua nên ép giá rất cao, NXB phải chấp nhận và cái giá bản quyền tập 7 Harry Potter được xem là một kỷ lục ở Việt Nam. Đây là khó khăn mà nhiều NXB nhỏ khó lòng khắc phục được.

Thế nhưng, cũng chính ở phần bản quyền xuất hiện một mâu thuẫn khác. Mảng sách văn hóa - xã hội, nghệ thuật, tôn giáo cũng chịu ảnh hưởng của bản quyền nhưng vẫn phát triển mạnh. Lý giải điều này, ông Kiểm cho rằng vấn đề nằm ở chỗ liên kết xuất bản. Hiện nay, số lượng các NXB tự làm sách của mình, từ khâu khai thác bản thảo cho đến khâu phát hành rất thấp, ngược lại tỷ lệ sách liên kết lại rất lớn. Với tư cách là nhà đầu tư chính, các đối tác làm sách có toàn quyền chọn loại sách để đưa ra thị trường và khi họ đánh giá loại sách hướng nghiệp, kinh doanh, tâm linh dễ đem lại lợi nhuận thì việc sách văn học vừa đòi hỏi phí bản quyền cao vừa chậm thu hồi vốn nên không được xếp vào loại ưu tiên là điều dễ hiểu.

Sách văn học - lấy lại niềm tin

Nhu cầu đọc sách để học tập tăng cao là một điều nên mừng nhưng vì thế mà giảm bớt sách văn học lại là vấn đề đáng lo ngại. Mất cân đối về loại sách sẽ đồng nghĩa dẫn đến mất cân đối trong việc hình thành nên nhân cách trọn vẹn. Tại cuộc hội thảo về “Người Việt có mê đọc sách?” trong Hội sách TPHCM lần thứ 5 nhiều ý kiến cho rằng việc sách văn học trong nước sụt giảm nếu không được giải quyết sớm sẽ tạo nên một thế hệ giỏi trong kinh doanh, kỹ thuật nhưng khô khan và chai cứng trong tình cảm. Và một xã hội chỉ thuần túy những con người như vậy khó có thể gọi là một xã hội có văn hóa phát triển.

Từ việc các tác phẩm trong nước như Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc có số lượng phát hành lên đến con số triệu bản, sách Nguyễn Nhật Ánh luôn đứng nhất nhì trong danh mục sách ăn khách tại các kỳ hội sách đến những cơn sốt sách dịch kiểu Harry Potter, Rừng Nauy và thậm chí gần đây là hiện tượng văn học mạng đã chứng minh, sách văn học luôn có một vị trí trong lòng người đọc. Thế nhưng, vị trí đó đang bị mai một khi sách văn học đang thiếu dần những chỗ dựa từ các nhà làm sách, một hệ thống quảng bá sách mạnh và kể cả từ chính việc định hướng văn hóa đọc đang bị bỏ quên. Lấy lại niềm tin cho bạn đọc vào sách văn học không thể chỉ là chuyện của một vài đơn vị. Thực sự, sách văn học đang chờ đợi sự giúp đỡ của cả một nền xuất bản và sự quan tâm đúng hướng của các cơ quan quản lý nhà nước…

Tường Vy

Tin cùng chuyên mục