Sân khấu cải lương hôm nay: Đâu là hướng ra?

Sân khấu cải lương hôm nay: Đâu là hướng ra?

Từ năm 2002, UBND TPHCM đã có chủ trương nâng cấp nghệ thuật cải lương. Nhưng đến nay, tình hình phát triển sân khấu cải lương (SKCL) dường như vẫn bế tắc. Một số nhà quản lý còn tỏ ra lo lắng. Tại sao?

Bấp bênh bề nổi...

Thời gian qua, SKCL có một số đêm diễn đông kín khán giả. Đó là sự khích lệ lớn đối với những ai quan tâm đến loại hình nghệ thuật này. Tuy nhiên, hầu hết các đêm diễn thu hút đông đảo khán giả đến xem chỉ dựa vào những tên tuổi nghệ sĩ đã thành danh từ lâu và trích đoạn, tuồng tích cũ. Nào là live show NSƯT Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, nghệ sĩ Phượng Liên; rồi Sân khấu vàng với một dàn nghệ sĩ U60, gồm các NSƯT: Lệ Thủy, Minh Vương, Thanh Điền, Thanh Kim Huệ, Thanh Tuấn, Giang Châu...

Ngay như nhóm Thắp sáng niềm tin, quy tụ một lực lượng nghệ sĩ trẻ từng đoạt giải Triển vọng Trần Hữu Trang các năm như Mỹ Hằng, Lê Tứ, Quỳnh Hương, Lê Hồng Thắm, Thy Trang... cũng chỉ dựa vào những tuồng tích cũ: Thanh Xà – Bạch Xà, Mùa thu trên Bạch Mã Sơn, Máu nhuộm sân chùa...

Sân khấu cải lương hôm nay: Đâu là hướng ra? ảnh 1

Vở “Chiếc áo thiên nga” với kinh phí 3,8 tỷ đồng, chỉ mới diễn được 3 suất. Ảnh: AN DUNG

Đơn vị nghệ thuật xã hội hóa Kịch Phú Nhuận của “bà bầu” Hồng Vân, vì rất tâm huyết với sân khấu cải lương đã thử “đá lộn sân”, dàn dựng được hai vở diễn rồi... chào thua! NSƯT Hồng Vân cho biết: “Mặc dù rất tâm huyết với cải lương, nhưng chúng tôi cũng không dám đầu tư tiếp, bởi việc tập hợp nghệ sĩ rất khó khăn. Trong khi đó, đầu tư dàn dựng một vở cải lương tốn kém hơn một vở kịch rất nhiều”.

Riêng với Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang lại càng khó khăn hơn. Mặc dù rút kinh nghiệm từ vở “Kim Vân Kiều” quá đông diễn viên, không thể đưa đi lưu diễn, đầu năm 2008, nhà hát dựng vở “Chiếc áo thiên nga” ít diễn viên hơn để tiện việc lưu diễn.

Thế nhưng đến nay, “Chiếc áo thiên nga” cũng chỉ dừng lại 3 suất diễn ở Nhà thi đấu QK7. Bởi vở diễn này được đầu tư đến 3,8 tỷ đồng và nơi nào muốn tổ chức diễn lại phải tốn từ 700 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng (tùy theo diễn 1 hay 2 suất). Thế là vở diễn bạc tỷ cũng chỉ làm “của để dành”!

Nghịch lý đào tạo

Có một thực tế hiện nay của SKCL là lực lượng trẻ kế thừa đang thiếu trầm trọng, từ tác giả, đạo diễn, diễn viên cho đến nhạc công. Mặc dù đây là vấn đề từng được nhiều người tâm huyết với SKCL cảnh báo.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Quốc Hùng – Giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang cho biết: “Lâu nay, nhà hát cũng chủ động đào tạo lực lượng trẻ kế thừa cho SKCL tương lai. Tính đến nay, nhà hát đã đào tạo được 5 khóa, góp phần tạo nên các tên tuổi nghệ sĩ như NSƯT Thanh Thanh Tâm, Thoại Mỹ, Kim Tử Long, Hữu Quốc, Tấn Giao; nghệ sĩ Chí Linh – Vân Hà, Mỹ Hằng... Nhưng sau này “phát hiện” ra một điều nghịch lý là... nhà hát không được phép đào tạo. Cho nên, từ vài năm trở lại đây, chúng tôi phải ngưng, không chiêu sinh, giảng dạy”. Có lẽ, chính điều này càng làm cho diễn viên trẻ ngày càng khan hiếm hơn.

Theo NSƯT Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, Hội Sân khấu TPHCM: “Tình hình SKCL khan hiếm diễn viên trẻ có tài năng đã đến hồi nguy kịch. Bây giờ, mỗi khi dàn dựng một vở cải lương, tìm được cặp đào, kép diễn ăn ý như trước đây, không phải là chuyện đơn giản, chỉ vỏn vẹn có vài ba người. Chưa kể, sau thế hệ các đào: Thoại Mỹ, Thanh Ngân; kép Trọng Phúc, Kim Tiểu Long... SKCL chưa có được những gương mặt sáng giá, đủ lực kế thừa...”.

Còn NSƯT Trần Minh Ngọc – Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM lo ngại: “Giờ đây, SKCL ít sàn diễn, lại đa phần diễn trích đoạn là chính, cho nên ít cơ hội cho các gương mặt trẻ cọ xát, khẳng định mình. Từ đó, lực lượng diễn viên trẻ hiện nay cứ nhàn nhạt, chưa ai có thể vụt sáng, thành “sao” cả. Nhưng một sân khấu mà cứ dựa vào những cái cũ, chưa khai thác hết sự tươi trẻ, sức thanh xuân của các gương mặt trẻ, dễ già nua và nhàm chán cho khán giả...”.

Thiếu bóng dáng nghệ sĩ kế thừa

SKCL hiện đang rất cần những “cú đột phá” mạnh mẽ để tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, vấn đề là ai và đơn vị nào sẽ phải chọn điểm xuất phát và một lực lượng nghệ sĩ có tâm, có tài.

Ông Phan Quốc Hùng, Giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang thừa nhận: “Sự năng động của các đoàn hát còn rất hạn chế, chưa theo kịp nhu cầu của công chúng, sự biến đổi của đời sống sân khấu. Nhóm Thắp sáng niềm tin, hoạt động theo phương thức xã hội hóa, mỗi vở diễn đầu tư cả 50 triệu đồng, nhưng cũng không thu hút khán giả là bao. Hiện nhà hát sẵn sàng đầu tư 100 – 200 triệu đồng cho mỗi vở diễn để các đoàn dàn dựng. Nhưng cái khó vẫn là không có kịch bản hay”.

Theo ông Hùng, ngành sân khấu có trại sáng tác, nhưng kịch bản rất khó dựng, mà nếu có chọn dựng thì cũng chỉ diễn được một vài suất là... ngưng, nhà hát phải bù lỗ! Trong tương lai, chắc chắn nhà hát phải tổ chức cuộc vận động sáng tác kịch bản mới, để mong tìm được một vài tác phẩm hay. Tuy nhiên, đội ngũ tác giả trẻ hiện cũng rất thưa thớt...”.

Còn NSƯT Trần Ngọc Giàu cho rằng: SKCL cứ mãi loay hoay, “sống” với những hoài niệm, chưa tìm ra hướng đi mới. Lâu nay, những cụm từ “nâng cấp cải lương” được nhắc đến khá nhiều, nhưng tiếc là không tổng kết, nhìn nhận lại xem mấy năm qua đã hoặc chưa làm được những gì. Suốt mấy chục năm nay, công tác đào tạo của SKCL vẫn chưa có đổi mới, ít đóng góp trong việc tạo nên những tên tuổi.

Trong số các nghệ sĩ cải lương thành danh, chỉ có khoảng 20% là được đào tạo từ trường nghệ thuật... Cho nên, có muốn nâng cấp cải lương thế nào đi chăng nữa thì điều quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người – nguồn lực trẻ. Còn hiện tại, nhìn đi – nhìn lại, chưa thấy bóng dáng lớp nghệ sĩ kế thừa!

Với những tồn tại, nghịch lý của SKCL, và rất cần có sự đầu tư hợp lý, sự phối hợp giữa các đơn vị, cơ quan văn hóa nghệ thuật và những nghệ sĩ tâm huyết với nghề, để vực dậy sân khấu cải lương trong tình hình mới. 

VÂN AN

Tin cùng chuyên mục