Sân khấu, điện ảnh, văn hóa đọc Tết 2023: Tín hiệu tích cực cho một năm mới

“Mùng 10” là một thuật ngữ vui của những người làm nghệ thuật, đánh dấu thời điểm hết tết, tổng kết lại một mùa hoạt động văn hóa nghệ thuật sôi động nhất trong năm. Xuân Quý Mão 2023 ghi dấu nhiều chuyện vui cho người làm nghệ thuật, báo hiệu một năm mới đầy lạc quan.

Cú hích của điện ảnh

Nhà bà Nữ, theo nhận định của nhiều chuyên gia không phải là một bộ phim đậm chất điện ảnh. Thậm chí, khi đặt lên bàn cân so sánh thì Chị chị em em 2 còn nổi trội hơn. Tuy nhiên, chính đạo diễn của Chị chị em em 2 là Vũ Ngọc Đãng - người từng đứng vai trò đồng đạo diễn với Trấn Thành trong Bố già, thừa nhận, anh nể đồng nghiệp vì “nhìn được khán giả thích cái gì”. Dù còn nhiều khen - chê, nhưng điểm cộng lớn nhất của bộ phim là dễ khiến khán giả đồng cảm vì thấy thấp thoáng bản thân, hay gia đình mình trong đó. Các vấn đề phim đề cập như cách biệt thế hệ, sự áp đặt, sang chấn tâm lý tuổi thơ…, có thể dễ dàng bắt gặp trong cuộc sống. Tấn bi - hài kịch được gói ghém trong bộ phim đã đánh động sự quan tâm của khán giả.

Trên thực tế, nhà làm phim nào cũng hiểu, thành công thương mại không đồng nghĩa sẽ thành công về nghệ thuật và ngược lại. Cân đối hai yếu tố này vẫn là “bài toán” khó. Với điện ảnh Việt, sau một năm thất bát, thành công của Nhà bà Nữ nói riêng và mùa phim tết nói chung mang nhiều ý nghĩa tích cực. Nó tạo ra cú hích, động lực cho các nhà sản xuất và góp phần “giải cứu” các đơn vị kinh doanh rạp chiếu phim sau thời gian dài khó khăn. Do đó, theo nhận định của nhiều chuyên gia, năm 2023 dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng sự phục hồi của thị trường là điều không thể phủ nhận. Nhiều bộ phim đã lên kế hoạch ra mắt trong năm như: Đất rừng phương Nam, Móng vuốt, Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh, Vong nhi, Fanti, Tết ở làng địa ngục, 9 giờ bão lửa… cũng như được tiếp thêm hy vọng.

Bất ngờ của cải lương

Nếu điện ảnh phải đợi đến mùng 1 Tết, khi khán giả đến rạp mới biết thành - bại, thì sân khấu lại ghi nhận tín hiệu vui từ trước đó, khi hầu hết vé của các sàn diễn đã được bán hết trước tết. Sân khấu kịch Thế Giới Trẻ hết vé kịch tết từ đầu tháng 1. Trong số các vở diễn, Thả thính mà hổng dính tạo được sự thích thú cho khán giả. Cùng chung niềm vui là sân khấu kịch Idecaf, tất cả vé của Thuốc đắng dã tậtCưới vợ cho ai đều hết từ trước tết cả tháng.

Vở kịch Thả thính mà hổng dính của sân khấu kịch Thế Giới Trẻ hết vé tết từ đầu tháng 1. Ảnh: THÚY BÌNH

Vở kịch Thả thính mà hổng dính của sân khấu kịch Thế Giới Trẻ hết vé tết từ đầu tháng 1. Ảnh: THÚY BÌNH

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cho biết: “Trước tết, tôi còn rất hoang mang, không biết khán giả có đến với điểm diễn kịch mới tại NVH Thanh niên TPHCM hay không. Đến khi thấy lượng vé các suất nhạc kịch Chị chị em em và hài kịch Bất ngờ chưa bà già? bán ra trong những ngày cận tết chiếm hơn 75%, đã cho tôi an tâm để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đầu tư và tổ chức biểu diễn tại sàn kịch trẻ này trong năm 2023”.

Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần tết này sáng đèn 23 suất, trong đó, kịch người lớn đạt 80% số vé, kịch thiếu nhi hết sạch vé. Nhu cầu xem kịch thiếu nhi của khán giả tiếp tục tăng cao qua mỗi suất diễn. Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh cũng vui mừng khi lượng vé bán ra chiếm gần 90% số ghế của tất cả các suất diễn…

Điều đặc biệt là các điểm diễn cải lương như Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Sân khấu Sen Việt, rạp Hồng Liên (TTVH quận 6 cơ sở 2)… đã sáng đèn từ mùng 4 Tết với nhiều vở diễn hấp dẫn: Văn võ kỳ duyên, Hoa Mộc Lan tùng chinh, Bạch xà, Tuyệt tình ca, Tô Hiến Thành xử án, Người đối diện lương tâm, Ngai vàng và tội ác, Ngọc Kỳ Lân, Một kiếp tằm… và hầu hết đều hết vé. Thậm chí, nhiều suất diễn khán giả phải mua ghế súp.

Sách văn học - điểm nhấn của Tết Quý Mão

Tại Lễ hội Đường sách Tết Quý Mão, có hơn 2.800 tựa sách, tương đương 41.285 cuốn sách được bán ra. Trong đó, bán chạy nhất gồm: Đắc nhân tâm, Cây cam ngọt của tôi, Võ Văn Kiệt - Trăm năm một chữ Dân, Muôn kiếp nhân sinh… Còn tại Đường sách TPHCM, có gần 11.000 cuốn sách bán ra với các tựa: Gánh gánh… gồng gồng…; Gia Định là nhớ - Sài Gòn là thương; Những người hàng xóm; Xa ngoài khơi là loài tôm hát; Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya…

Nhìn vào những danh mục trên, có thể thấy nhu cầu đọc của độc giả hiện nay khá đa dạng và thể loại ngôn tình, hay những đầu sách nhảm nhí, hời hợt đã vắng bóng. Sách văn học đã khẳng định vị trí của mình trong lòng người yêu sách.

Tính đến sáng 30-1, Nhà bà Nữ đã thu về hơn 250 tỷ đồng, ghi nhận nhiều kỷ lục, như: Doanh thu trong ngày cao nhất lịch sử phim Việt (36,6 tỷ đồng); phim Việt chạm các mốc 50 tỷ đồng, 110 tỷ đồng và 210 tỷ đồng nhanh nhất mọi thời đại; chạm mốc 2 triệu vé chỉ sau 6 ngày; phim Việt có số lượng suất chiếu cao nhất mọi thời đại (4.500 suất/ngày); phim Việt có doanh thu ngày đầu công chiếu cao nhất mọi thời đại (23 tỷ đồng)… Chị chị em em 2 xếp vị trí số 2 với doanh thu hơn 58 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục