Sản phẩm Việt của “lò” SHTP

Từ Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP), những sản phẩm Made in Vietnam của các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Intel, Samsung… xuất đi khắp thế giới. Ẩn sâu trong không ít sản phẩm đó có chất xám, trí tuệ con người và doanh nghiệp (DN) Việt Nam.
Nghiên cứu và sản xuất thiết bị y tế tại Công ty United Healthcare trong SHTP. Ảnh: TẤN BA
Nghiên cứu và sản xuất thiết bị y tế tại Công ty United Healthcare trong SHTP. Ảnh: TẤN BA

Hứa hẹn nhất là dự án sản xuất xe đạp bằng công nghệ in 3D của Công ty Arevo do cựu CEO facebook Việt Nam Lê Diệp Kiều Trang và chồng, ông Sonny Vũ, thành lập. Chiếc xe đạp bằng sợi carbon nguyên khối đầu tiên mang tên SuperStrata đã được sản xuất và vận hành tại Mỹ. Với công nghệ in 3D, chất liệu sợi carbon siêu nhẹ, chiếc xe chỉ gần 1,3 kg, được thiết kế, sản xuất theo nhu cầu của người dùng. SuperStrata hứa hẹn là sản phẩm đình đám gắn liền với nơi sản xuất, con người Việt Nam. “Để hiện thực hóa sản phẩm công nghệ này, đại diện Công ty Arevo đã nộp hồ sơ xây dựng nhà máy sản xuất. Dự án đã được cấp phép ở SHTP. Chúng tôi rất mong muốn dự án này sớm đi vào hoạt động, thêm một sản phẩm công nghệ cao là điều mong chờ”, bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, phấn khởi.

Tại SHTP, DN Việt Nam luôn gặp thách thức về công nghệ cũng như thiếu nhân lực chuyên môn cao. Bởi vậy, chiến lược tập trung vào nghiên cứu và phát triển (R&D), thương mại hóa các sản phẩm từ công nghệ cao là cần thiết. Từ năm 2016, Ban quản lý SHTP đã trình UBND TPHCM dự án khoa học công nghệ thí điểm hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm công nghệ cao trong hoạt động nghiên cứu tại khu. Các lĩnh vực dự án được tham gia chương trình thương mại hóa gồm công nghệ sinh học, công nghệ Nano, công nghệ bán dẫn (MEMs), công nghệ cơ điện tử, tự động hóa (Robot)… Nhiều sản phẩm đã được trình làng từ chủ trương đó.

SHTP chuẩn bị khởi công xây dựng, đưa vào hoạt động Công viên khoa học công nghệ. Đây là nơi kết nối SHTP hiện hữu, là hạt nhân của đô thị đổi mới sáng tạo phía Đông, tạo điều kiện cho các hoạt động nghiên cứu triển khai, ứng dụng công nghệ và thương mại hóa công nghệ cao, làm nền tảng thúc đẩy năng lực cạnh tranh, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của thành phố và cả nước.

Năm 2012, Công ty cổ phần USM Healthcare đầu tư nhà máy sản xuất thiết bị y tế và năm 2015 xây dựng trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cao USM, với mong muốn thúc đẩy hoạt động R&D, nghiên cứu công nghệ mới, hướng đến thương mại hóa sản phẩm y tế. Từ tháng 8-2015, công ty thúc đẩy sản xuất dụng cụ y sinh (stent mạch vành phủ thuốc bằng công nghệ Nano), xuất khẩu hàng chục triệu sản phẩm y tế, y sinh cao cấp đi khắp thế giới.

Với dự án thí điểm, hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm từ công nghệ cao giai đoạn 2017-2018, SHTP đã hỗ trợ (tối đa 30% kinh phí) 5 dự án phát triển sản phẩm từ phòng thí nghiệm thành sản xuất quy mô công nghiệp, đưa ra thị trường. Trong đó, Công ty Thế giới Gen đã tạo ra vật liệu nanocellulose, kết hợp với chiết xuất tế bào gốc của nhung hươu tạo thành một dạng gel bôi lên da có khả năng làm lành vết thương. Sản phẩm này có thể thay thế cho phương pháp băng bó truyền thống, giúp người bệnh không cần thay băng, khả năng lành vết thương nhanh hơn, hạn chế để lại sẹo.

Với nghiên cứu về công nghệ nano, DN tại  SHTP đã sản xuất ra keo tản nhiệt từ vật liệu carbonnaotube và graphene sử dụng trong các chip thiết bị điện tử, giúp tản nhiệt nhanh, tốt hơn, tương đương với sản phẩm ngoại nhập. Ngoài ra, dự án ứng dụng công nghệ vi cơ điện tử (MEMS) của Trung tâm Nghiên cứu và triển khai, thuộc  SHTP đã nghiên cứu chế tạo loại cảm biến áp suất PS50 ứng dụng đo mực nước nhằm cảnh báo ngập theo thời gian thực cho những khu vực thấp trũng.

Theo ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, những năm qua, các DN đã tăng dần hoạt động R&D, tăng chi phí đào tạo, nâng chất nguồn nhân lực chất lượng cao. DN sử dụng ngày càng nhiều kỹ sư, kỹ thuật viên người Việt để nâng cấp sản phẩm, cho ra sản phẩm mới. Đa số nhân sự bộ phận R&D đều là người Việt; một số DN có hoạt động R&D đứng đầu tập đoàn hay khu vực… là niềm tin để SHTP có thêm nhiều sản phẩm công nghệ cao Việt Nam.

Ông Nguyễn Anh Thi cũng thừa nhận năng lực ứng dụng và thương mại hóa công nghệ của DN trong nước còn hạn chế. DN trong nước chiếm 2/3 số doanh nghiệp tại SHTP (110 trong tổng số 160 DN), tuy nhiên, đóng góp của DN trong nước chỉ 2,5% tổng trị giá sản xuất trong năm 2020 (hơn 50 triệu USD trong gần 20 tỷ USD tổng trị giá sản xuất tại SHTP). “Đây là con số quá khiêm tốn của DN trong nước. Chúng tôi sẽ phải kết nối nhiều hơn nữa giữa viện nghiên cứu, đại học và DN để giúp DN nâng cao năng lực ứng dụng khoa học - công nghệ”, ông Nguyễn Anh Thi kỳ vọng.

Việt Nam là một trong 40 quốc gia đã thử nghiệm vaccine phòng Covid-19 trên người. Xét về năng lực nghiên cứu và công nghệ sản xuất, Việt Nam xếp sau nhiều nước lớn.

Sản phẩm Việt của “lò” SHTP ảnh 1 Vaccine Nano Covax được sản xuất trên dây chuyền của Công ty Nanogen tại SHTP. 
Ảnh: VIỆT DŨNG

Dù vậy, ngày 17-12-2020 đã trở thành thời khắc đáng nhớ khi mũi vaccine Nano Covax phòng Covid-19 đầu tiên do các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu phát triển đã chính thức được tiêm thử nghiệm trên người. Nếu thành công, dự kiến tháng 5-2021, Việt Nam có thể tiêm vaccine này cho cộng đồng với giá 120.000 đồng/liều.

                                                                                               THÀNH SƠN

Tin cùng chuyên mục