Sẵn sàng tâm thế đón nhận cơ chế, chính sách mới

Trong lúc dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 được kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV đang thảo luận, xem xét thông qua, thì TPHCM đã kích hoạt mọi nguồn lực để sẵn sàng hành động ngay khi nghị quyết mới có hiệu lực.
Sẵn sàng tâm thế đón nhận cơ chế, chính sách mới

Thành phố sẽ tập trung trung thực hiện cơ chế, chính sách mới, tuyệt đối không có tâm lý chờ nghị định, thông tư hướng dẫn, làm lãng phí thời gian. Tinh thần ấy đã được người đứng đầu TPHCM nhiều lần đề cập.

Tại cuộc họp của Ban cán sự đảng UBND TPHCM vào ngày 29-5, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cũng đã lưu ý, hành động của thành phố lúc này là tranh thủ mọi thời gian để khi quyết sách mới có hiệu lực thì lập tức triển khai ngay. Đến nay, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch toàn diện chuẩn bị thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù mới. Chỉ riêng quý 2 có khoảng 11 việc, trong đó 8 việc là cụ thể hóa các nội dung cơ chế, chính sách để trình HĐND TPHCM tại kỳ họp tháng 7. Một danh mục 37 việc khác để cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù còn lại cũng được lên kế hoạch hoàn thành trong năm nay.

Sự chủ động chuẩn bị trước với kế hoạch nêu rõ đầu việc, phân công trách nhiệm cùng tiến độ cụ thể sẽ không bao giờ thừa, nhất là đối với dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 chứa đựng nhiều quy định khác với pháp luật hiện hành. Tâm thế sẵn sàng đó thể hiện sự nghiêm túc về ý thức trách nhiệm của TPHCM trong việc được thí điểm thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách vượt trội lần đầu tiên được quy định.

Tâm thế sẵn sàng còn được thể hiện ở việc thành phố có những bước đi cụ thể về tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng nền công vụ. Cụ thể, bên cạnh việc đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù, chủ động kế hoạch chuẩn bị, thành phố cũng chú trọng củng cố đội ngũ cán bộ, công chức tổ chức thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách mới. Đó không chỉ là sự chuẩn bị, sẵn sàng trong thẩm định, thông qua và giám sát các đề án, kế hoạch (của các đại biểu HĐND TPHCM), mà cũng xây dựng lực lượng (bộ máy chính quyền) đủ năng lực triển khai thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách mới. Bởi dự thảo nghị quyết có các chính sách giao quyền tự chủ cho TPHCM nhiều hơn, thì để phát huy được tối đa hiệu quả của cơ chế đặc thù, đòi hỏi về việc xây dựng đội ngũ cán bộ đủ sức đảm đương thực hiện nhiệm vụ ấy.

Dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 được chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ, đã nhận được phản hồi tích cực từ các ĐBQH. Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại 19 tổ ĐBQH về dự thảo nghị quyết cho thấy, hầu hết các ĐBQH khi thảo luận đều bày tỏ nhất trí về sự cần thiết ban hành và thông qua nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, nhằm thể chế hóa Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Việc đông đảo các ý kiến của ĐBQH đồng tình, góp ý hoàn thiện về các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố giúp làm sâu sắc hơn về vị thế, vai trò, tầm quan trọng và ý nghĩa của TPHCM - thành phố mang tên Bác đối với cả nước. Thực tế cho thấy, thành phố đang đóng góp 27% vào tổng thu ngân sách cả nước. Cho nên, trao cho thành phố những cơ chế, chính sách vượt trội chính là tạo điều kiện cho thành phố tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo được động lực để thành phố thực hiện trách nhiệm “vì cả nước, cùng cả nước”, tiếp tục là đầu tàu dẫn dắt kinh tế của cả nước, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Sự ủng hộ, đồng tình từ các ĐBQH, các chuyên gia và đông đảo doanh nghiệp, người dân về cơ chế, chính sách vượt trội sẽ là “liều thuốc” tinh thần quan trọng, tác động tích cực đến cán bộ, đảng viên của thành phố trong thực hiện nhiệm vụ, sứ mệnh của mình. Song, sau khi nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 được thông qua, Chính phủ cũng cần sớm ban hành nghị định quy định chi tiết thi hành nghị quyết mới, với các điều khoản cụ thể, rõ ràng và cả trách nhiệm phối hợp cùng việc kiểm tra, giám sát của các bộ, ngành liên quan về công tác triển khai thực hiện. Đó là một điều kiện quan trọng tiên quyết để các cơ chế, chính sách mới, đặc biệt là với các cơ chế chính sách lần đầu tiên được đi vào đời sống, phát huy hiệu quả thật sự.

Tin cùng chuyên mục