Đưa hàng nông sản vào siêu thị, chợ đầu mối

Sản xuất và phân phối chưa hiểu nhau

“Đói” nguồn hàng

Đưa các mặt hàng nông sản tươi sống, sản phẩm đặc sản địa phương vào hệ thống các siêu thị, chợ đầu mối là trăn trở, mong muốn lớn của nhiều nông dân ĐBSCL. Đây cũng là nhu cầu thiết thực của hệ thống các nhà phân phối. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mối quan hệ giữa 2 chủ thể này còn lỏng lẻo, thiếu thông tin, trong khi đó bóng dáng của hoạt động “tiếp sức, làm cầu nối” của nhiều địa phương còn mờ nhạt.

“Đói” nguồn hàng

Ông Trần Thành Nam, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), cho biết: “Tại chợ đầu mối Bình Điền của chúng tôi, hàng hóa từ Cần Thơ về rất khiêm tốn. Mỗi ngày khoảng 50-60 tấn cá; các sản phẩm rau quả, gia súc gia cầm hầu như không có. Chúng tôi mong sự hợp tác tốt với các đơn vị cung ứng từ Cần Thơ, đặc biệt làm sao có các sản phẩm đặc sản của Cần Thơ có trong hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi của Satra. Điều quan trọng mà chúng tôi quan tâm nhất là vấn đề đảm bảo ATVSTP và giá cả phù hợp”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Huy Bằng, Giám đốc Metro Hưng Lợi, nói: “Điểm mạnh của chúng tôi là hàng tươi sống (rau quả, cá, thịt) chất lượng và đảm bảo ATVSTP. Metro Hưng Lợi đứng trên địa bàn Cần Thơ nhưng bức xúc khi địa phương không có nhà cung cấp đạt chất lượng. Hiện thịt heo, bò phải nhập từ TP Long Xuyên (An Giang). Những lúc nhu cầu tăng lên cũng không có đủ cung cấp cho thị trường địa phương. Tháng 12 vừa rồi, có đoàn kiểm tra đến Metro Hưng Lợi, lãnh đạo Sở Công thương góp ý chúng tôi nhập trực tiếp các mặt hàng tại Cần Thơ nhưng các quy định về ATVSTP rất nghiêm ngặt, không đạt tiêu chuẩn nên không thể được.

Về vấn đề này, ông La Quang Ba, Phó Tổng giám đốc Công ty Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ (CTC), nói: “Thời gian qua, nhà sản xuất và nhà phân phối chưa hiểu nhau. Đại diện Metro Hưng Lợi (Cần Thơ) nói heo Cần Thơ không đạt yêu cầu, phải nhập từ Long Xuyên, tôi thấy băn khoăn. Bởi vì thịt heo do Công ty nông nghiệp Cờ Đỏ và Công ty Nông nghiệp Sông Hậu cung cấp cho chúng tôi giết mổ, cung cấp ra thị trường và cũng có mặt tại các siêu thị khác trong thành phố. Vậy tiêu chí của Metro như thế nào? Hiện Co.op Mart Long Xuyên còn đặt hàng chúng tôi cung cấp thịt heo dịp tết, mà 2 đơn vị trên là những nhà cung cấp chính của chúng tôi”.

Lúng túng tìm đầu ra

Đưa sản phẩm vào các siêu thị, kênh phân phối lớn mang tính ổn định lâu dài là mong muốn cũng như lo lắng nhất của các nhà sản xuất, đặc biệt là các HTX nông nghiệp cũng như các nông dân. Ông Triệu Công Đỉnh, Chủ nhiệm HTX rau an toàn Bình Thủy, TP Cần Thơ tâm sự: “Chúng tôi hiện có 11 ha sản xuất rau màu an toàn (được chứng nhận năm 2006) và có thể mở rộng lên 30ha. Mỗi năm chúng tôi có khả năng cung ứng 800 - 1.000 tấn dưa hấu, 20 - 50 tấn khổ qua, ớt mỗi loại. Tuy nhiên, đầu ra hiện rất bấp bênh. Chúng tôi không có thương hiệu nên không dám sản xuất lớn. HTX mong muốn kết nối các nhà phân phối để hỗ trợ lẫn nhau, đưa hàng vào siêu thị, mở rộng thị trường”.

Ông Trần Thanh Liêm, nghệ nhân sản xuất những sản phẩm thuộc loại hàng độc là dưa hấu hình thỏi vàng và xe Mercedes nổi đình đám mấy năm qua, dù có đăng ký nhãn hiệu, kiểu đáng độc quyền nhưng đầu ra vẫn bấp bênh, không có hợp đồng bao tiêu. Ông Liêm nói: “Chuẩn bị cho dịp tết năm nay, tôi làm 350 cặp dưa thỏi vàng và xe Mercedes. Các năm trước, đến thời điểm này các đầu mối ở TPHCM đặt hàng gần hết nhưng nay thì “ế”, họ hứa lần lựa, dù giá giảm hơn”.

Cũng tình thế này, nhiều nhà vườn, HTX sản xuất trái cây đặc sản như vú sữa lò rèn, bưởi năm roi, chôm chôm ở ĐBSCL làm theo tiêu chuẩn Global Gap, VietGap cũng không tìm được đầu ra ổn định từ thị trường xuất khẩu cũng như trong nước. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng phòng kinh doanh Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ, cho biết: “Chúng tôi hiện có các sản phẩm chủ lực kêu gọi liên kết sản xuất - tiêu thụ là: gạo thơm, chất lượng cao với năng lực cung cấp mỗi tháng 2.000 - 3.000 tấn. Sản phẩm thứ 2 là heo hơi, mỗi tháng 20 - 30 tấn và có thể tăng thêm, đúng quy trình, không sử dụng chất cấm”…

Trong khi đó, các nhà phân phối rất muốn tìm đối tác cung cấp hàng hóa chất lượng tại địa phương. Bà Hồ Quang Kiều, Giám đốc Siêu thị BigC Cần Thơ, chia sẻ: “Chúng tôi luôn mong muốn làm ăn với các nhà sản xuất địa phương. Đặc biệt các sản phẩm có tiềm năng lớn như: rau củ quả, thực phẩm, đặc sản địa phương, thủ công mỹ nghệ. Điều kiện để đảm bảo là sản phẩm tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Việt Nam”.

Bình Đại

Tin cùng chuyên mục