Sản xuất vaccine hướng đến quy mô công nghiệp hóa

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có buổi làm việc với các bộ, ngành về việc tự chủ sản xuất vaccine trong nước. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng nằm trong chiến lược phát triển ngành dược Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.
Sản xuất vaccine hướng đến quy mô công nghiệp hóa

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có buổi làm việc với các bộ, ngành về việc tự chủ sản xuất vaccine trong nước. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng nằm trong chiến lược phát triển ngành dược Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.

Tự chủ vaccine tiêm chủng mở rộng

Năm 2015 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lĩnh vực sản xuất vaccine trong nước khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận hệ thống quản lý quốc gia về vaccine (NRA) đạt tiêu chuẩn quốc tế, ngang bằng các quốc gia có nền công nghiệp sản xuất vaccine phát triển nhất như: Canada, Mỹ, Pháp, Bỉ… Với kết quả này, vaccine sản xuất tại Việt Nam có thể mở rộng xuất khẩu sang các nước khác trên thế giới. Thực tế từ nhiều năm qua, Việt Nam đã sản xuất thành công nhiều loại vaccine có chất lượng cao. Theo GS-TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện nước ta tự sản xuất được 11/13 loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng, gồm: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, viêm gan B, viêm gan A, viêm não Nhật Bản B, tả, thương hàn, tiêu chảy.

GS-TS Nguyễn Thanh Long cho biết, nếu trước đây chúng ta phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vaccine nhập ngoại, thì nay đã có 4 nhà máy sản xuất vaccine trong nước là Công ty TNHH Một thành viên vaccine và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Công ty TNHH Một thành viên vaccine Pasteur Đà Lạt (DAVAC), Trung tâm nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (POLYVAC), Viện vaccine và sinh phẩm y tế (IVAC). Những năm qua, Công ty VABIOTECH đã xuất khẩu được hơn 3 triệu liều vaccine viêm não Nhật Bản B vào bang Hydrabad (Ấn Độ) và bắt đầu xuất khẩu vào thị trường Đông Timo. Hơn 32.000 liều vaccine viêm gan A cũng đã được xuất khẩu sang Hàn Quốc và 115.000 liều vaccine tả uống đã được xuất khẩu đến Srilanka, Philippine, Ấn Độ.

Về cơ hội sản xuất và xuất khẩu vaccine của Việt Nam, theo TS Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, trong bản báo cáo của đoàn đánh giá WHO đã nhận định, Việt Nam có tiềm năng sản xuất vaccine rất lớn, nằm trong số 25 quốc gia sản xuất vaccine đang chiếm 90% doanh số của toàn cầu, có đội ngũ cán bộ nghiên cứu, sản xuất vaccine đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Tiêm chủng tại một cơ sở y tế ở TPHCM

Ưu tiên sản xuất vaccine đa giá

Bộ Y tế đưa ra mục tiêu đến năm 2020, sản xuất trong nước sẽ đáp ứng 100% nhu cầu vaccine của người dân. Nghĩa là thời gian chỉ còn khoảng 3 năm nữa! Tuy nhiên, các chuyên gia y tế đánh giá, Việt Nam dù có tiềm năng của một nền công nghiệp sản xuất vaccine nhưng thách thức lớn vẫn là thiếu chính sách, chiến lược cụ thể để chuyển hóa các giá trị khoa học trong lĩnh vực vaccine thành hàng hóa có giá trị thương mại cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường và xuất khẩu.

Hiện nay, các loại vaccine mà Việt Nam đang sản xuất được chủ yếu là vaccine đơn lẻ, một số loại vaccine là thành phần cho việc phối trộn vaccine đa giá 4, 5 hoặc 6 trong 1. Ngược lại, xu hướng thế giới đã phát triển các loại vaccine tổ hợp có hiệu quả cao, tỷ lệ phản ứng ngoài ý muốn thấp. Mặt khác, đến năm 2019, Việt Nam sẽ không còn được nhận viện trợ của GAVI (Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng) về vaccine phối hợp 5 trong 1 trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng nên nhiều khả năng thiếu vaccine. Để bảo đảm cung ứng vaccine phối hợp cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng thay thế cho vaccine Quinvaxem (theo cam kết với GAVI), cũng như giải quyết tình trạng khan hiếm vaccine phối hợp hiện nay trên thị trường tiêm chủng dịch vụ, vấn đề sản xuất vaccine trong nước để chủ động nguồn cung được đặt ra, nhất là việc bảo đảm sản xuất và cung ứng đủ vaccine phối hợp 5 trong 1 với công nghệ vô bào. Với năng lực nghiên cứu, sản xuất trong nước còn hạn chế, sự hỗ trợ của nhà nước về cơ chế, chính sách, nguồn vốn là rất cần thiết.

Làm việc với Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ, ngành liên quan mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá việc tự chủ sản xuất vaccine trong nước có ý nghĩa quan trọng, liên quan trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của người dân; đồng thời chỉ đạo phải tập trung nghiên cứu, làm chủ về công nghệ sản xuất vaccine quy mô công nghiệp, tiến tới có nhà máy hiện đại, sản xuất vaccine với chất lượng tốt, có hiệu quả cả về mặt xã hội và kinh tế với tinh thần theo cơ chế thị trường, không bao cấp.

Với mục tiêu chương trình Sản phẩm quốc gia vaccine phòng bệnh cho người, Bộ Y tế đặt định hướng từ nay đến năm 2020, Việt Nam có ít nhất 7 loại vaccine đáp ứng yêu cầu của Chương trình Tiêm chủng Quốc gia, thay thế vaccine nhập khẩu và tiến tới xuất khẩu. Trong đó, dạng vaccine đa giá (vaccine 5 trong 1 và 6 trong 1) phối hợp nhiều loại kháng nguyên là một trong những ưu tiên hàng đầu trong nghiên cứu và phát triển vaccine mới tại Việt Nam hiện nay.

Theo Chiến lược phát triển ngành dược quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Chính phủ phê duyệt năm 2014, mục tiêu định hướng đến năm 2030, thuốc sản xuất trong nước cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng, sản xuất được thuốc chuyên khoa đặc trị, chủ động sản xuất vaccine, sinh phẩm cho phòng chống dịch bệnh, sản xuất được nguyên liệu làm thuốc. Hệ thống kiểm nghiệm, phân phối thuốc, công tác dược lâm sàng, thông tin thuốc ngang bằng các nước tiên tiến trong khu vực.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục