Bạn đọc viết

“Sao dùng chữ “bầy đàn” để gọi con người?”

Đó là câu hỏi của cậu con trai đang học lớp 4 của tôi. “Con nghĩ, chữ “bầy đàn” chỉ dùng để gọi… thú vật. Ví dụ, đàn chim, đàn khỉ, đàn bò, bầy cừu, bầy sói…, chứ không thể dùng để gọi con người”.

Lời trẻ rõ ràng, mạch lạc khiến tôi không khỏi vui mừng vì sự hiểu biết của con. Đồng thời cũng hết sức nặng lòng khi báo chí lại sử dụng ngôn ngữ một cách tuỳ tiện, thiếu  nhân văn, xúc phạm nặng nề đến con người như vậy! Dù tôi và nhiều bạn bè đã vô cùng bức xúc khi chữ “bầy đàn” xuất hiện nhan nhản trên các mặt báo “thời chứng khoán”- nhưng đến hôm nay, khi con tôi - một học sinh tiểu học - đặt câu hỏi này, thì tôi không còn “cầm lòng” được, đành nhờ Trang Giáo dục Báo SGGP lên tiếng hộ.

Gần đây, khi nói về  hiện tượng có nhiều người cùng đổ xô mua, bán chứng khoán (khi giá chứng khoán đang ở xu hướng tăng hoặc giảm), nhiều tờ báo đã viết: “…Nhà đầu tư mua bán theo tâm lý bầy đàn”. Thi thoảng mới thấy ở một ít bài viết, vài tác giả đã hết sức hiểu biết và dùng cách thể hiện khác biệt như: “tâm lý đám đông”.

Nhưng rất tiếc, cách dùng từ thận trọng này không được nhiều người học, mà hầu hết người viết vẫn dùng chữ “bầy đàn” một cách thiếu ý thức. Trừ một vài bài viết còn “tử tế” cho chữ  “bầy đàn” vào ngoặc kép, còn phần lớn vẫn viết “trơn”, buộc người đọc nghĩ rằng người viết ám chỉ “đám đông” nhà đầu tư chứng khoán  là… động vật cấp thấp (!). Thậm chí, có lúc không thèm dừng ở mức ám chỉ nữa, mà có tờ báo đã chỉ thẳng nhà đầu tư là… bầy cừu (“Cừu non tử thương”)!

Ngoài chức năng truyền thông, báo chí còn nhiều chức năng quan trọng, trong đó có chức năng giáo dục. Hầu như người đọc vẫn xem chữ nghĩa trên báo chí là một trong những chuẩn mực về mặt sử dụng ngôn ngữ, thế nhưng cách dùng từ như trên ở nhiều bài báo (cả trong một số trường hợp khác) là không thể chấp nhận. Lẽ nào một điều mà một đứa trẻ lên 9 còn nhìn ra mà một số người lớn viết báo không nhận thấy?!

Nguyệt Hà quận 5

Tin cùng chuyên mục