Sao không thực hiện lời hứa với dân?

Nhiều năm trở lại đây, mỗi dịp lễ, tết, ai cũng ngao ngán tuyến đường trở về miền Tây khi qua quốc lộ 1 (QL1) thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang. Tết Tân Sửu cũng không ngoại lệ khi dòng người, dòng xe ken đặc, chen chúc nhau để về quê đón tết và trở lại làm việc sau tết.
Sao không thực hiện lời hứa với dân?

Dự phòng trường hợp ùn tắc giao thông kéo dài trên tuyến QL1 đoạn qua tỉnh Tiền Giang như những năm trước đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao UBND tỉnh Tiền Giang chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT và các cơ quan có liên quan quyết định việc phân luồng, tổ chức giao thông tạm trên tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận trong dịp Tết Tân Sửu.

Cụ thể, phương án được đưa ra là cho phép lưu thông tạm một chiều trên đường cao tốc này trong 5 ngày trước tết và 5 ngày sau Tết Tân Sửu. Trong đó, ô tô dưới 16 chỗ, xe tải dưới 2,5 tấn được lưu thông với tốc độ 40km/giờ, nếu xảy ra ùn tắc kéo dài trên tuyến QL1; thời gian lưu thông vào ban ngày. Bộ GTVT yêu cầu UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với lực lượng điều tiết giao thông của dự án, tổ chức phân luồng an toàn và xử lý kịp thời những tình huống xảy ra. Ban điều hành Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cũng bố trí xe bồn tưới nước chống bụi, xe cứu hộ và xe vá vỏ lưu động nhằm sẵn sàng ứng cứu nếu có sự cố phát sinh khi lưu thông trên cao tốc.

Mọi việc đã sẵn sàng đón xe lên cao tốc lưu thông tạm vào dịp tết, trong lúc nhiều người dân miền Tây cũng háo hức lần đầu tiên được chạy xe trên cao tốc này nhằm tránh cảnh ùn ứ kéo dài như những năm trước. Song, việc lưu thông tạm trên cao tốc này đã không được thực hiện.

Trao đổi về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang, cho rằng, về tình hình chung, năm nay kẹt xe trên QL1 qua tỉnh Tiền Giang đã giảm 40%-50% so với mọi năm, do nhiều công ty, trường học có lịch nghỉ sớm nên người dân về quê rải rác từ 23, 24 Tết, hoặc không về quê. Riêng vào ngày 27 và 28 Tết, chỉ xảy ra ùn ứ giao thông cục bộ, dòng xe di chuyển chậm, chứ không kẹt xe kéo dài. Chỉ có mùng 4 Tết là các phương tiện đi lại nhiều với khoảng 80.000 lượt.

Ở những vị trí dễ xảy ra ùn tắc như cầu Rạch Miễu, cầu Mỹ Thuận Tây, cầu Bà Đắc, cầu Mỹ Thuận… khi xe ùn ứ 15-20 phút là được cắt một chiều, để giải phóng cho phương tiện chiều ngược lại lưu thông. Đó cũng là nguyên nhân không điều tiết, phân luồng cho xe lưu thông tạm vào cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận như phương án ban đầu đưa ra. Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang Trần Văn Bon cũng cho rằng, nếu lưu thông tạm trên tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thì xe sẽ chạy trên lớp đá cấp phối, ở những cao độ khác nhau, có đoạn đủ thời gian gia tải, có đoạn chưa đủ… nên không an toàn bằng đường quốc lộ. Khi nhận thấy giao thông trên QL1 ổn định nên không phân luồng tạm vào cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận như phương án dự phòng.

Lý giải của chính quyền địa phương nghe khá hợp lý. Tuy nhiên, dù QL1 đoạn qua tỉnh Tiền Giang không kẹt xe kéo dài nhưng cảnh ùn ứ vẫn xảy ra, làm người dân khá vất vả, nhất là buổi trưa nắng gắt. Hơn thế, tại lễ thông xe kỹ thuật tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào ngày 4-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu: Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chậm tiến độ nhiều năm, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân ĐBSCL.

Vì vậy, tháng 4-2019, trước bức xúc của nhân dân vùng ĐBSCL, Thủ tướng cùng lãnh đạo Chính phủ đã có lời hứa với hơn 20 triệu người dân ĐBSCL là trước Tết Nguyên đán năm nay, sẽ thông tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận. Tuy nhiên, lời hứa đó đã không thực hiện được, không phải vì Thủ tướng và Chính phủ không quyết tâm, mà trách nhiệm ở phía lãnh đạo tỉnh Tiền Giang và Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận! 

Tin cùng chuyên mục