
Giải Nobel Y học 2005 đã tôn vinh công trình nghiên cứu với đề tài “Vi khuẩn Helicobacter pylori và vai trò trong bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng” của hai nhà bác học Úc Barry J.Marshall và J.Robin Warren. Với công trình này, hy vọng các nhà khoa học sớm nghiên cứu chế tạo ra các loại thuốc điều trị hữu hiệu căn bệnh này.
- Các hiểu biết về viêm loét dạ dày trước đây

Vi khuẩn Helicobacter pylori.
Cách đây hơn nửa thế kỷ, khi yếu tố nhiễm vi khuẩn chưa được biết đến thì nguyên nhân gây loét dạ dày chỉ được xem xét bao gồm các yếu tố như sự căng thẳng thần kinh trong đời sống công nghiệp hóa, sự tăng tiết acid trong dịch vị, sự lạm dụng các thuốc có tác dụng phụ gây loét dạ dày như các thuốc kháng viêm, giảm đau không steroid (NSAIDs), các thuốc corticoid...
Vì thế, thuốc trị loét dạ dày thường thuộc các nhóm kháng acid, trị loét, băng rịt dạ dày. Các thuốc này làm giảm chứng đau dạ dày nhờ khả năng trung hòa lượng acid thừa ở dịch vị. Yếu tố nhiễm khuẩn không được biết đến nên việc điều trị bằng kháng sinh hầu như không có.
- Công trình nghiên cứu về tác hại gây bệnh của vi khuẩn

TS Barry Marshall.
TS Robin Warren (sinh 11-6-1937 tại Adelaide, Nam Úc), chuyên viên bệnh lý lâm sàng tại Bệnh viện Hoàng gia Perth (Úc), quan sát thấy có sự hiện diện của vi khuẩn sống ở đáy dạ dày của 50% bệnh nhân lấy mẫu sinh thiết và tình trạng viêm nhiễm luôn xuất hiện gần nơi vi khuẩn sinh sống.
TS Barry Marshall (sinh 30-9-1951 tại Kalgoolie, Tây Úc), chuyên viên nghiên cứu tại Bệnh viện Hoàng gia Perth (Úc), giáo sư y học lâm sàng, vi trùng học tại Úc và Mỹ, đã quan tâm đến các khám phá của Warren và cùng Warren nghiên cứu mẫu sinh thiết của 100 bệnh nhân.
Sau đó, Marshall đã nuôi cấy thành công vi khuẩn từ các mẫu sinh thiết và cùng Warren đề xuất đặt tên cho loại vi khuẩn gây bệnh viêm loét dạ dày - ruột tá (chiếm tỷ lệ 90% ca loét tá tràng và 80% ca loét dạ dày) là Helicobacter pylori (HBP).
- Tam liệu pháp điều trị loét dạ dày - tá tràng
Từ 1982, vi khuẩn Helicobacter pylori (HBP) được xem là nguyên nhân chính gây loét dạ dày - tá tràng với tỷ lệ khoảng 90%. Đó là loại vi khuẩn Gram (-), hình xoắn, có tiêm mao, có men Urease nội sinh. Trong môi trường acid của dạ dày, men này sẽ tạo môi trường kiềm để vi khuẩn tồn tại.

TS Robin Warren.
Ngoài việc gây viêm nhiễm thành màng nhày dạ dày, HBP đồng thời là yếu tố gây khối u hạch bạch huyết ở dạ dày (mucosa associated lymphoid tissue = MALT). Các khối u này sẽ giảm bớt khi HBP bị tiêu diệt. Vì thế, hiện các nhà khoa học nghi ngờ loại vi khuẩn này có thể còn là thủ phạm gây ung thư dạ dày - ruột tá.
Việc xác định tác hại của vi khuẩn HBP là nguyên nhân quan trọng gây bệnh loét dạ dày - tá tràng đã mở ra hướng điều trị mới từ khoảng 20 năm nay, đó là phối hợp kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn trong tam liệu pháp thường dùng.
Tùy theo cách điều trị, các kháng khuẩn có thể dùng làm kháng sinh như Clarithromycine hay Amoxicilline và chất diệt ký sinh trùng là Métronidazole kết hợp với chất chống bài tiết dịch vị là Omeprazole hay Lansoprazole. Thời gian điều trị thường là 7 ngày. Trong trường hợp loét diễn tiến, chất chống tiết được dùng trong 3 tuần.
- Vaccin phòng bệnh
Dựa vào đặc tính Helicobacter pylori bám chặt vào niêm mạc dạ dày nhờ hai yếu tố kết dính, có thể gây viêm nặng và loét, nhưng hai yếu tố kết dính của H.Pylori có tên Bab A và Sab A cũng có thể quay lại tấn công và tiêu diệt vi khuẩn.
Từ đó, nhà bác học Thomas Boren thuộc Trường Đại học Umea đã nghiên cứu phát triển một dạng của hai loại protein này nhằm tạo phản ứng cho hệ miễn dịch cơ thể, giúp cơ thể nhận dạng và sử dụng chúng tiêu diệt vi khuẩn.
Các thử nghiệm đang được thực hiện trên chuột. GS Boren cho biết phải mất từ 6 - 8 năm mới có thể tung vaccin ra thị trường.
DS TRƯƠNG TẤT THỌ