Thưa ông, nguyên nhân gây ra các đợt mưa lũ lớn ở khu vực Tây Nguyên và Nam bộ (trong đó có đảo Phú Quốc cũng bị ngập sâu) là do đâu?
- TS HOÀNG PHÚC LÂM: Như đã cảnh báo, tình trạng mưa lũ lớn ở các tỉnh phía nam trong thời gian qua là do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam. Về nguyên nhân gió mùa Tây Nam có 2 nguồn gốc để tạo ra, gồm: Thứ nhất, có thể xuất phát từ trung tâm áp thấp Ấn Độ - Myanmar hút gió từ Bắc Ấn Độ Dương qua vịnh Bengan vào nước ta. Thời gian hoạt động thường trong tháng 5 và 6 hàng năm.
Thứ hai là giai đoạn từ tháng 6 trở đi, gió mùa Tây Nam xuất phát từ cao áp cận chí tuyến bán cầu Nam hoạt động mạnh (được tạo ra bởi khối không khí lạnh ở phía Nam bán cầu). Khi vượt qua vùng biển xích đạo, khối khí này trở nên nóng ẩm hơn, thường gây mưa lớn và kéo dài cho các vùng đón gió ở Nam bộ và Tây Nguyên.
Nhưng tại sao các năm trước cũng có gió mùa Tây Nam nhưng năm nay lại gây mưa lũ lớn kỷ lục?
- Đợt mưa lớn ở khu vực Tây Nguyên và Nam bộ vừa qua là do gió mùa Tây Nam gây ra bởi nguồn gốc thứ 2, từ Nam bán cầu đi lên. Tại Nam bán cầu trong những ngày vừa qua, liên tiếp có những đợt gió mùa tràn qua nước Australia. Đây là một trong những nguyên nhân khiến Australia có tuyết rơi dày đặc, bang Victoria phải đưa ra cảnh báo đặc biệt nguy hiểm do gió mạnh và tuyết dày. Gió mùa hoạt động mạnh ở Australia, thổi vượt qua xích đạo làm cho gió mùa Tây Nam ở khu vực Việt Nam, biển Đông liên tục mạnh, gây mưa to đến rất to trên diện rộng ở Tây Nguyên và Nam bộ, trong đó có đảo Phú Quốc.
Như vậy, năm nay gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh hơn hẳn so với các năm trước cùng thời kỳ, cộng thêm thời điểm gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh ở khu vực Tây Nguyên và Nam bộ thì lúc này còn tồn tại một dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Nam Trung bộ và còn một vùng hội tụ gió ngay trên khu vực Tây Nguyên và phía nam Lào. Tương tác của gió mùa Tây Nam mạnh và dải hội tụ nhiệt đới phát triển đã tạo ra những cơn mưa cực lớn ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam bộ trong những ngày đầu tháng 8. Với tổng lượng mưa lớn như vậy thì đây là một đợt mưa khá bất thường.
Vậy khi nào thì sẽ hết mùa mưa?
- Theo dự báo của chúng tôi, mùa mưa ở Nam bộ năm nay có thể kết thúc sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Cụ thể, các năm trước, mùa mưa ở Nam bộ thường kết thúc vào khoảng ngày 15-10 thì năm nay có thể trong những ngày đầu tháng 10 mùa mưa đã kết thúc. Song, không phải mùa mưa kết thúc thì sẽ hết mưa, mà mùa mưa kết thúc có nghĩa là các đợt mưa liên tục và kéo dài nhiều ngày như chính mùa sẽ không còn, nhưng vẫn có những đợt mưa ngắn 3 -5 ngày, thậm chí nếu có tác động của xoáy thuận nhiệt đới thì ở Nam bộ vẫn cần phải đề phòng hiện tượng mưa lớn khi mà mùa mưa được dự báo đã kết thúc.
Nếu mùa mưa kết thúc sớm hơn mọi năm thì tình hình khô hạn ở ĐBSCL năm nay ra sao, liệu có lũ về như năm 2018?
- Dự báo đỉnh lũ năm 2019 trên sông Cửu Long (tại trạm Tân Châu và Châu Đốc) ở mức thấp hơn năm 2018, tổng lượng dòng chảy thượng nguồn sông Mê Công về khu vực ĐBSCL thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm, đặc biệt sau tháng 9-2019, lượng mưa giảm nhanh dẫn đến dòng chảy vùng trên sông cũng suy giảm nhanh. Do đó, trong mùa mùa khô năm 2019-2020, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Nguy cơ cao xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam bộ, tình trạng xâm nhập mặn có thể diễn ra rất sớm từ đầu mùa khô năm 2019-2020. Các địa phương ở ĐBSCL nói riêng và khu vực Nam bộ nói chung cần sớm có các biện pháp chủ động phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn.
Kỷ lục mưa: Cụ thể như tại Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk, trung bình trong 10 ngày đầu tháng 8 hàng năm, lượng mưa cũng chỉ khoảng 111mm; nhưng 10 ngày đầu tháng 8 năm nay, lượng mưa đo được là 402mm. Tại huyện đảo Phú Quốc – Kiên Giang, tổng lượng mưa trung bình mỗi năm vào khoảng 2.800mm, nhưng chỉ trong 10 ngày đầu tháng 8 năm nay, lượng mưa trung bình đã lên tới 1.167mm, bằng gần một nửa so với lượng mưa cả năm. Đây cũng là số liệu mưa đo được cao nhất trong lịch sử quan trắc từ năm 1978 đến nay. |