Thu hút đầu tư từ Việt kiều

" Sẽ có một cửa, một khóa"

" Sẽ có một cửa, một khóa"
" Sẽ có một cửa, một khóa" ảnh 1

Triển lãm Việt Kiều và cơ hội kinh doanh

Thực hiện Luật Khuyến khích đầu tư trong nước, từ năm 1996 đến 2004, TPHCM đã thu hút 1.094 doanh nghiệp có vốn đầu tư của Việt kiều đăng ký thành lập với tổng vốn 4.151,7 tỷ đồng, trong đó vốn của Việt kiều là 1.801,9 tỷ đồng (tương đương khoảng 120 triệu USD).

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế và doanh nhân Việt kiều, những con số ấy vẫn còn rất khiêm tốn khi mà Việt Nam có tới gần 3 triệu kiều bào ở gần 100 quốc gia, lãnh thổ với không ít người thành đạt trên thương trường...

Cơ chế còn nhiêu khê

Ông Lê Hoàng Thế (Việt kiều Nhật) rầu rĩ kể về câu chuyện xin giấy phép đăng ký kinh doanh: “Đăng ký kinh doanh qua mạng đúng là tiện lợi thật nhưng không hiểu sao trước đây chỉ mất 3 ngày nay kéo dài tới 5 ngày, đến khi nhận giấy đăng ký kinh doanh lại phải mất thêm 30 ngày nữa vì phải đi xin thêm giấy chứng nhận nguồn gốc Việt Nam”.

Còn ông Nguyễn Trí Dũng (Việt kiều Nhật) thì  cho rằng thủ tục Hải quan Việt Nam phải nhanh chóng cải thiện nếu không sẽ mất nhiều cơ hội. Ông Dũng đơn cử việc làm thủ tục xuất, nhập một lô hàng qua Hải quan Việt Nam phải mất ít nhất gần một tuần, trong khi có những vụ làm ăn mà sáng nhập, chiều phải xuất ngay. “Hải quan TPHCM đã thông thoáng hơn nhưng thế vẫn chưa đủ”, ông Dũng nói.

Ngay như ông Nguyễn Ngọc Mỹ (Việt kiều Úc), một doanh nhân đã có nhiều kinh nghiệm làm ăn ở Việt Nam với  9 công ty kinh doanh trên nhiều lĩnh vực nhưng cũng bị cơ chế, thủ tục “hành”… ra bã. Phát biểu tại nhiều hội thảo mới đây về cơ hội làm ăn của Việt kiều tại Việt Nam, đại đa số doanh nhân Việt kiều có nhận định chung là cơ chế chưa thông thoáng và bày tỏ mong muốn các bộ, ban ngành cần có những động thái cởi bỏ những thủ tục rườm rà.

  • Chính sách chưa rõ ràng, thống nhất

Theo quy định, Việt kiều khi về đầu tư trong nước được lựa chọn một trong hai chính sách:  Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hoặc Luật Khuyến khích đầu tư trong nước. Khi chọn Luật Đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư là Việt kiều được hưởng mọi ưu đãi như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, thuế xuất nhập khẩu, ưu đãi về tiền thuê đất… dành cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nếu chọn Luật Khuyến khích đầu tư trong nước, nhà đầu tư Việt kiều được hưởng mọi ưu đãi dành cho doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, chính sách là vậy nhưng các nhà đầu tư Việt kiều vẫn cảm thấy chưa rõ ràng, thống nhất. Và để tránh rắc rối, nhiều doanh nhân Việt kiều vẫn chọn hình thức đầu tư… “chui”. Đơn cử như trường hợp ông Lưu Văn Khương (Việt kiều Ý) đã tham gia thành lập Công ty Tâm Minh ở Đà Nẵng từ năm 1994 nhưng chỉ với tư cách là Phó Giám đốc, còn chức Giám đốc thì giao cho người em ở Việt Nam làm. “Hiện nay, nhiều Việt kiều vẫn đầu tư bán chính thức như vậy. Mặc dù đến nay hình thức này đã được hợp thức hóa nhưng tôi nghĩ Nhà nước cần có những động thái dễ chịu hơn để chấm dứt tình trạng này”, ông Khương nói.

Nhiều doanh nhân Việt kiều muốn được đối xử như nhà đầu tư trong nước, muốn được áp dụng Luật Đầu tư trong nước và Luật Doanh nghiệp dành cho người Việt Nam một cách thống nhất, cụ thể.

Bên cạnh đó, chính sách về nhà ở, visa cũng được nhiều Việt kiều đề cập đến. Về visa, nhiều Việt kiều thắc mắc tại sao Chính phủ bỏ visa cho du khách Nhật Bản và một số nước khác mà không bỏ visa cho Việt kiều, vốn dĩ là người Việt? Về nhà ở thì Nhà nước chỉ ưu tiên cho bốn đối tượng kiều bào được mua nhà là người về đầu tư lâu dài; người có công đóng góp với đất nước; nhà văn hóa, nhà khoa học có nhu cầu về hoạt động thường xuyên tại Việt Nam; người có nhu cầu về sống ổn định tại Việt Nam. Do vậy, nhiều Việt kiều đề nghị hãy mở rộng đối tượng ra để Việt kiều có thể về mua nhà, tiện lợi cho việc làm ăn ở Việt Nam.

  • “Đói” thông tin về đầu tư trong nước

Mới đây, sau cuộc hành trình xuyên Việt, nhiều Việt kiều nhận ra rằng các địa phương chuẩn bị rất chi tiết về những dự án kêu gọi đầu tư và các Việt kiều đã có dịp tiếp cận những hồ sơ đó. Ông Lưu Văn Khương nói: “Sau chuyến đi vừa rồi chúng tôi mới thấy rằng mình hiểu biết rất ít về tiềm năng cần đầu tư ở các địa phương”.

Nhiều Việt kiều khẳng định là ở nước ngoài họ không hề biết tới những dự án trong nước cần kêu gọi đầu tư. Hiện tại, kênh truyền hình VTV4 cho người Việt ở nước ngoài vẫn thiếu chuyên mục về cơ hội đầu tư. Ngoài ra, chưa có một tờ báo, website chính thức nào cho người Việt ở nước ngoài đề cập đến xúc tiến đầu tư hay những thông tin liên quan đến kêu gọi đầu tư. Điều này khiến đầu tư của Việt kiều ở Việt Nam còn rất hạn chế. Do vậy, tại cuộc hội thảo “Cơ hội đầu tư của Việt kiều về Việt Nam” vừa tổ chức đầu năm 2005 vừa qua, nhiều Việt kiều mong muốn có được những kênh thông tin rõ ràng, chi tiết hơn về các dự án cần đầu tư, chính sách đầu tư ở trong nước.

  • Phải cởi mở hơn

Giáo sư Lê Quý (Việt kiều Úc) cho biết, sau khi tham gia cuộc Hành trình xuyên Việt cùng các Việt kiều khác, ông có ý định tham gia vào nhiều dự án, chương trình như Khu công nghệ cao Láng-Hòa Lạc, Khu công nghiệp An Khánh (Hà Tây), Khu du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình)…Qua cuộc hành trình xuyên Việt, ông Lưu Văn Khương (Việt kiều Ý) rất quan tâm đến dự án hợp tác chế biến nhựa ở Nghệ An bằng cách đưa nguyên liệu từ nước ngoài về chế biến sau đó xuất khẩu…

Theo ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Chủ nhiệm CLB Doanh nghiệp Việt kiều thì sau cuộc hành trình xuyên Việt qua 15 tỉnh thành vừa qua, đoàn doanh nhân Việt kiều đã nhắm tới khá nhiều dự án có khả năng đầu tư như: xây dựng khu du lịch, khách sạn quy mô lớn ở Cần Thơ; xây dựng Trung tâm Thương mại Măng Thít ở Vĩnh Long; xây dựng trường Đại học Quốc tế ở Bà Rịa-Vũng Tàu; khu vui chơi giải trí tầm cỡ quốc tế ở Bình Thuận; dự án đảo du lịch ở Khánh Hòa; nâng cấp sân bay Đà Nẵng… 

Tường Lâm -Thụy Du

Tin cùng chuyên mục