Sau nửa năm chuẩn bị, ngày 7-9, tại Hà Nội, Chính phủ đã chủ trì Hội nghị phát triển doanh nghiệp dân doanh (DNDD). Hội nghị nhằm tìm cách tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp trước những vận hội cũng như thách thức mới của đất nước sau khi gia nhập WTO. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng dự và chỉ đạo hội nghị.
Chỗ nào cũng khó
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Trương Văn Đoan, trong 7 năm qua, khối DNDD đã phát triển như vũ bão. Nếu như năm 2000, cả nước có khoảng 15.000 DNDD thì đến hết năm 2007 sẽ có khoảng 300.000 DNDD (chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ). Tỷ trọng GDP của khối DNDD chiếm gần 50% GDP cả nước.
Mặc dù có vai trò và vị trí quan trọng trong nền kinh tế đất nước, song thực tế hiện nay, hoạt động của các DNDD còn rất nhiều khó khăn từ việc vay vốn, tiếp cận với đất đai, đăng ký kinh doanh, phát triển thị trường. Theo Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Cao Sỹ Kiêm, khả năng đáp ứng nguồn vốn từ các ngân hàng cho DNDD chỉ đạt khoảng 30%. Vì vậy, DNDD cực kỳ khó khăn trong việc tạo nguồn vốn để có thể phát triển và cạnh tranh được trên “sân nhà” chứ chưa nói đến việc ra biển lớn.
Theo điều tra của Bộ Tài chính, mức độ tiếp cận được các nguồn vốn nhà nước của các DNDD là khá thấp. Trong khi đó, mức độ huy động các nguồn vốn khác cũng không dễ dàng, chỉ có 48,65% số doanh nghiệp có khả năng tiếp cận. Đặc biệt, những khoản vay trung hạn và dài hạn để đáp ứng kế hoạch sản xuất kinh doanh lớn, có thời gian thực hiện dài thì DNDD hầu như chưa tiếp cận được.
Liên quan đến vấn đề đất đai, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, hiện có hơn 65% DNDD chưa đủ mặt bằng để kinh doanh và họ sẽ mở rộng mặt bằng để kinh doanh nếu dễ dàng tiếp cận mặt bằng đất đai. Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Lộc là do nguồn lực đất đai còn hạn chế trong khi đó thủ tục rườm rà và quy hoạch sử dụng đất chưa rõ ràng, khiến các doanh nghiệp khó có khả năng mở rộng sản xuất kinh doanh.
Ông Lộc cũng chỉ ra rằng, thủ tục hành chính hiện nay còn khá nhiều phiền hà, còn cản trở đối với các hoạt động đầu tư và kinh doanh của các doanh nghiệp, làm tăng chi phí kinh doanh… điển hình là các thủ tục liên quan đến gia nhập thị trường, giấy phép con. Hiện vẫn có rất nhiều doanh nghiệp thành lập từ năm 2006 đến nay phải mất hơn 30 ngày để nhận được tất cả các giấy tờ cần thiết.
Qua điều tra, 1 doanh nghiệp vẫn cần đến bình quân 4,14 giấy phép kinh doanh các loại. VCCI tiến hành rà soát thử 37 loại giấy phép kinh doanh của một số ngành. Kết quả là 100% số giấy phép được đánh giá là có điều kiện cấp phép không hợp lý, 89% số giấy phép được rà soát có vấn đề về thủ tục cấp phép.
Chính phủ sẽ có cơ chế thông thoáng hơn
Để đến năm 2010 có khoảng 500.000 DNDD và tạo điều kiện cho khối DNDD đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong nền kinh tế đất nước, Thứ trưởng Trương Văn Đoan cho biết, ngay trong quý IV-2007, Bộ KH-ĐT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công an thực hiện rà soát, loại bỏ những khâu công việc, thủ tục bất hợp lý, giảm bớt các loại giấy tờ không cần thiết, hợp lý hóa các khâu tổ chức thực hiện đối với các thủ tục: đăng ký kinh doanh, khắc dấu, cấp mã số thuế theo nguyên tắc một cửa, phối hợp liên thông giữa các cơ quan, rút ngắn thời gian giải quyết công việc của các loại thủ tục trên xuống tối đa 15 ngày đối với thành lập doanh nghiệp. Những khâu công việc thủ tục bất hợp lý cũng sẽ xóa bỏ như, bãi bỏ giấy phép khắc dấu, bãi bỏ giấy chứng nhận đăng ký thuế, áp dụng thống nhất mã số đăng ký kinh doanh và mã số thuế cho doanh nghiệp.
Để tạo cơ chế thông thoáng cho các DNDD tiếp cận với nguồn vốn, Bộ KH-ĐT sẽ kiến nghị Chính phủ sớm chỉ đạo thành lập các ngân hàng thương mại doanh nghiệp vừa và nhỏ với một số ưu đãi, cụ thể tập trung thực hiện cho vay dài hạn các dự án của DNDD trong các lĩnh vực ưu tiên phát triển, hoặc đầu tư vào địa bàn khuyến khích. Song song đó là thành lập quỹ đầu tư nhằm tăng cường hỗ trợ đầu tư vốn cho các DNDD.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng bãi bỏ, bổ sung hoặc sửa đổi những quy định không còn phù hợp; ngăn chặn những văn bản mới, giấy phép mới trái với quy định của Luật Doanh nghiệp.
UBND các tỉnh, thành phố tạo mọi điều kiện thuận lợi trong khuôn khổ pháp luật cho việc thành lập và phát triển sản xuất, kinh doanh, kịp thời giải quyết các vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, trình Chính phủ quy chế thành lập và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNDD.
Trong năm 2008, trình Chính phủ đề án trợ giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng tại các ngân hàng thương mại, xây dựng chương trình nâng cao năng lực tiếp cận nguồn vốn cho các doanh nghiệp dân doanh.
Chính phủ sẽ đầu tư làm đường cao tốc, bến cảng, sân bay, hệ thống điện phục vụ cho việc phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhất quán coi trọng thành phần DNDD trong thành phần kinh tế có ý nghĩa gắn với sự bền vững của nền kinh tế. Chính phủ làm các quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, đất đai... gắn với sản xuất kinh doanh thị trường. Các tỉnh phải chú ý các thành phần kinh tế, các khu, cụm công nghiệp chế biến, làng nghề, gắn với vùng nguyên liệu.
LÊ VĂN