Sẽ rút giấy phép đầu tư Nhà máy lọc dầu Cần Thơ

Mua nhà ở xã hội phải qua 4 “cửa”

(SGGP).- Ngày 18-5, đoàn kiểm tra liên ngành Bộ Kế hoạch-Đầu tư đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP Cần Thơ về dự án Nhà máy lọc dầu Cần Thơ. Dự án này được đề xuất từ năm 2004, dự kiến đặt tại phường Phước Thới, quận Ô Môn, có công suất 2 triệu tấn dầu thô/năm, vốn đầu tư 538 triệu USD (trong đó Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Viễn Đông khoảng 30% vốn, còn lại là phần của Công ty Semtech Limited - Hoa Kỳ). Nhưng vào tháng 7-2009, chủ đầu tư xin điều chỉnh giảm diện tích xây dựng nhà máy từ 250ha xuống còn 50ha và vốn đầu tư giảm còn 350 triệu USD. Đến đầu tháng 11-2009, Công ty Semtech Limited khó khăn về vốn nên Công ty Viễn Đông cùng với Tập đoàn Hoa Việt và một Công ty thành viên của tập đoàn này, tái cấu trúc 100% vốn trong nước để tiếp tục thực hiện dự án.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu khả quan nào về nguồn vốn thực hiện từ phía chủ đầu tư. Theo Sở KH-ĐT Cần Thơ, đến cuối tháng 6- 2010, nếu chủ đầu tư Nhà máy lọc dầu Cần Thơ không chứng minh được tính khả thi về nguồn vốn, sở sẽ trình UBND TP Cần Thơ xem xét thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.

L.CHINH

Mua nhà ở xã hội phải qua 4 “cửa”

(SGGP).- Ngày 18- 5, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, không chỉ có Sở Xây dựng, Sở Lao động - Thương binh - Xã hội tham gia xét duyệt điều kiện mua nhà ở xã hội, để tăng tính minh bạch, công bằng, UBND TP Hà Nội vừa chỉ đạo Hội đồng xét duyệt nhà ở xã hội sẽ có thêm đại diện của Mặt trận Tổ quốc, Ban Tổ chức Thành ủy. Như vậy có 4 cơ quan tham gia xét duyệt danh sách người mua nhà và trình UBND thành phố phê duyệt. Bên cạnh đó, khi Hội đồng xét duyệt nhà ở xã hội của thành phố họp, phải có đại diện quản lý người lao động, cơ quan quản lý nhà, đơn vị chủ đầu tư cùng tham dự.

Dự kiến tháng 6-2010, TP Hà Nội sẽ hoàn thành 500 căn hộ cho thuê đầu tiên và đến cuối năm 2010 sẽ hoàn tất 300 căn hộ cho thuê mua tại khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên.

A.KIỆT

2.100 khách tàu biển châu Âu đến Việt Nam

(SGGP).- Ngày 18-5, tại cảng Navi Oil (TPHCM), Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist đã đón tàu biển Costa Romantica thuộc Hãng Costa Crociere S.p.A với 2.100 du khách và thuyền viên đa số mang quốc tịch châu Âu, đến Việt Nam theo hành trình tham quan TPHCM - Củ Chi - Mỹ Tho và miền Trung (Đà Nẵng - Hội An - Mỹ Sơn - Huế) trong 3 ngày từ 18 đến 20-5. Trong 5 tháng đầu năm 2010, Saigontourist đón tiếp và phục vụ hơn 30.000 khách tàu biển quốc tế, chủ yếu là khách châu Âu đến từ các tàu biển cao cấp như Costa Classica, Costa Allegra, Amadea, Columbus, Europa…

Du lịch tàu biển hiện là loại hình du lịch phát triển nhanh nhất trên thế giới với tốc độ tăng khoảng 9%/năm. Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam được đánh giá là khu vực có tốc độ phát triển du lịch tàu biển nhanh nhất thế giới trong thời gian tới. Hiện nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường biển còn thấp, chỉ chiếm khoảng 6% trên tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Hiện chỉ có vài công ty du lịch khai thác lượng khách này. Ngành du lịch Việt Nam đang tìm giải pháp đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch tàu biển để có thể trở thành trung tâm du lịch tàu biển trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong khoảng 10 năm tới.

M.HẠNH

Đề xuất nhiều dự án thích ứng với biến đổi khí hậu

(SGGP).- Ngày 18-5, UBND TP Cần Thơ đã tổ chức hội thảo: “Đối thoại, học hỏi và chia sẻ ứng phó với biến đổi khí hậu lần 3”.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu trình bày đề xuất và thảo luận các đề án như: nâng cao sức khỏe cộng đồng ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các hoạt động vệ sinh phòng bệnh; giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu tới đô thị, người nghèo với kinh phí 300.000 USD... Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng, các ý kiến từ hội thảo sẽ được điều chỉnh và đưa vào kế hoạch hoạt động của Cần Thơ trong Chương trình mục tiêu quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời sẽ trình lên UBND TP Cần Thơ phê duyệt và đưa vào thực hiện trong thời gian tới.

L.CHINH

Tin cùng chuyên mục