Sẽ tăng học phí theo lộ trình, kiểm soát chặt giá sách giáo khoa

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, giá sách giáo khoa (SGK) bộ mới tăng cao so với các bộ sách cũ, nguyên nhân ngoài câu chuyện số lượng bản in, còn do cơ chế để hình thành giá. 

Hiện nay, thực hiện xã hội hóa, các nhà xuất bản bỏ tiền ra để biên soạn, in ấn nên giá thành cao hơn. Trong quá trình chưa sửa đổi Luật Giá, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ Tài chính tiến hành kê khai giá của các doanh nghiệp đối với mặt hàng này rất chặt chẽ. Mỗi lần kê khai giá, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đều thẩm định kỹ lưỡng. Sau mỗi lần kê khai, giá mỗi bộ sách giảm 5%-15%. Bộ GD-ĐT cũng đã có văn bản chỉ đạo đơn vị chuyên môn nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn định mức kỹ thuật của SGK.

Về học phí, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP (quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực GD-ĐT), Chính phủ quy định khung, trần học phí cho từng địa phương, đơn vị quyết định mức cụ thể học phí cho từng năm học trong phạm vi khung, trần học phí do Chính phủ quy định. Bắt đầu từ tháng 9 của năm học 2022-2023, sẽ có lộ trình tăng học phí theo quy định. Với lộ trình này, giáo dục mầm non công lập tăng khoảng 75%, đại học tăng khoảng 12,5%. Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, giá dịch vụ giáo dục điều chỉnh sẽ tác động tới CPI bình quân cả nước năm 2022 tăng khoảng 0,55%-1,05% và học phí năm học 2022-2023 dự kiến tác động tới CPI tăng 1,5%-2,8%.

Thực hiện Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 5, Chính phủ đã giao Bộ GD-ĐT rà soát, đánh giá tác động tăng giá dịch vụ giáo dục, SGK để báo cáo Chính phủ trong tháng tới. 

Hiện giá SGK được quản lý giá theo quy định tại Luật Giáo dục, Luật Giá. Theo đó, giá SGK thuộc danh mục mặt hàng thực hiện kê khai giá, không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá. Trong năm học 2022-2023, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ GD-ĐT thực hiện tiếp nhận kê khai giá SGK và có văn bản đề nghị các đơn vị rà soát và triển khai các biện pháp tiết kiệm chi phí nhằm tiếp tục kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, chia sẻ với người tiêu dùng. 

Hiện nay, Bộ Tài chính đang tổ chức lấy ý kiến rộng rãi dự thảo Luật Giá (sửa đổi), trong đó đã đưa SGK vào danh mục hàng hóa Nhà nước định giá và giao Bộ GD-ĐT quy định giá SGK gắn với các yêu cầu về kỹ thuật, chuyên môn để có giá cả hợp lý và đáp ứng yêu cầu chuyên môn trong GD-ĐT.

Tin cùng chuyên mục