Tại hội nghị về Luật Tài nguyên nước vừa diễn ra tại TPHCM, nhiều chuyên gia môi trường cho rằng, quy định nhà nước đã cho phép khắc phục nhiều điểm yếu của quản lý lưu vực sông và nước nói chung hiện nay. Vấn đề còn lại là các cơ quan chức năng sẽ thực thi luật và quy định này như thế nào.
Ông Nguyễn Văn Ngà, Trưởng phòng Quản lý tài nguyên nước và khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM) cho biết, Luật Tài nguyên nước mới cho phép quản lý lưu vực sông phải thống nhất theo quy hoạch chung do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành. Theo đó, bất kỳ một tỉnh, thành phố nào nằm trên hệ thống lưu vực sông muốn quy hoạch khai thác và sử dụng nguồn nước đều phải tuân thủ theo quy hoạch lưu vực chung của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Quy định này sẽ giúp khắc phục được tình trạng chia năm sẻ bảy công tác quản lý và khai thác sử dụng nguồn nước sông hiện nay.
Kết quả là nước sông thì ngày càng ô nhiễm nhưng không địa phương nào chịu nhận trách nhiệm và bỏ kinh phí ra cải tạo nguồn nước. Cuối cùng là các tỉnh khu vực hạ nguồn phải gánh lượng lớn chất thải ô nhiễm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng môi trường sống, đe dọa trực tiếp đến hoạt động sản xuất và cung cấp nước sạch cho người dân khu vực này.
Không dừng lại đó, một điểm mới mà Luật Tài nguyên nước vừa ban hành đã nhấn mạnh, những chủ đầu tư hệ thống thủy điện trên sông khai thác bao nhiêu diện tích rừng để xây dựng thủy điện thì phải phục hồi lại bấy nhiêu diện tích rừng đã bị khai thác. Không chỉ vậy, việc xây dựng các công trình trên sông phải đảm bảo sự lưu thông thông suốt của dòng chảy. Nếu không thỏa mãn điều kiện này thì sẽ không được sử dụng nguồn nước sông. Riêng các địa phương phải lập cơ quan quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước. Điều này trước đây cũng được đề cập song không cụ thể và rõ ràng.
Do vậy, nhiều chủ đầu tư thủy điện đã lợi dụng kẽ hở này để không thực hiện nghĩa vụ trồng lại rừng cho sông, không chú ý đến yếu tố lưu thông thông suốt dòng chảy. Các cơ quan chức năng liên quan thì xem nhẹ vấn đề bảo vệ hành lang hai bên bờ sông. Hệ lụy của vấn đề này là thảm thực vật dọc hai bên bờ sông bị phá hoại, suy giảm nghiêm trọng. Lượng nước trữ vào mùa mưa để bổ sung cho sông vào mùa khô gần như kiệt quệ.
Cuối cùng là giải pháp “người sử dụng và gây ô nhiễm nguồn nước phải trả phí”. Hiện phí này được thu theo cách phí nước cấp đầu vào và phí xả thải đầu ra. Chỉ có điều, theo cảnh báo của các chuyên gia quản lý môi trường, mức phí nhà nước thu được phải đảm bảo cao hơn mức phí bỏ ra đầu tư công trình và vận hành cải tạo hệ thống xử lý nguồn nước bị ô nhiễm. Tuy nhiên, trên thực tế vấn đề khó nhất của cơ quan chức năng không phải là thiếu quy định mà thiếu giải pháp triển khai thực tế. Điển hình nhất là vấn đề thu phí nước thải. Nghị định về thu phí nước thải mới ra đời đầu năm 2013 và có hiệu lực vào tháng 7-2013. Thế nhưng, cho đến nay rất ít tỉnh thành triển khai được.
Có thể nói, cho đến nay những quy định cần thiết để bảo vệ và cải thiện chất lượng nguồn nước nói chung đã cơ bản đầy đủ và toàn diện. Vấn đề còn lại là các cơ quan chức năng có nhanh chóng hoàn thiện bộ máy tổ chức để triển khai những quy định trên vào cuộc sống một cách hiệu quả hay không?
MINH XUÂN