Người dân Singapore đang sống trong những ngày vất vả nhất vì ô nhiễm. Thoạt nghe có vẻ nghịch lý vì Singapore là một trong những nước được xem là có môi trường tốt nhất thế giới. Tai họa đến từ “người láng giềng” Indonesia đông dân nhất Đông Nam Á vì nhiều cá nhân và tổ chức nơi đây đốt rừng làm nông trại.
Cái cảm giác cay xè mắt khi người nông dân đốt rạ ở ngoại thành Hà Nội chẳng nghĩa lý gì so với mức độ ô nhiễm khói bụi tại đảo quốc sư tử. Cao điểm nhất là vào ngày 21-6, khi chỉ số chuẩn ô nhiễm (Pollutant Standards Index-PSI) lên đến 401 vào lúc 12 giờ trưa (giờ địa phương).
Theo Cơ quan Bảo vệ môi trường của Mỹ, PSI là một chỉ số thu được khi tính tới nhiều chỉ số ô nhiễm, ví dụ tổng các hạt lơ lửng, SO2, CO, O3, NO2 được tính theo mg/m³/giờ hoặc trong 1 ngày. Nếu PSI từ 0-49 là không khí có chất lượng tốt; từ 50-100 là trung bình, không ảnh hưởng tới sức khỏe của con người; 100-199: không tốt; 200-299 là rất không tốt; 300-399 là nguy hiểm, làm phát sinh một số bệnh; PSI trên 400 là rất nguy hiểm, có thể gây chết người.
Chính phủ Singapore đã khuyến cáo người dân ở trong nhà nếu không thật sự cần thiết ra ngoài. Mọi công sở và khách sạn đều phát khẩu trang cho nhân viên và du khách khi ra ngoài. Điều đáng nói là theo cảnh báo của các cơ quan chức năng Singapore, tình trạng người dân Singapore hít khói này có thể kéo dài trong vài tháng khi mùa khô chấm dứt vào tháng 9 hoặc tháng 10 ở Sumatra. Kỷ lục ô nhiễm này phá vỡ kỷ lục trong đợt ô nhiễm tương tự vào tháng 9-1997, khi đó chỉ số PSI chỉ lên đến 226.
Chị Nicole Wu, cư dân Singapore, nói với BBC rằng chị phải ở trong nhà suốt 2 ngày qua. “Thật khủng khiếp. Khu căn hộ tôi ở tất cả cửa sổ đều phải đóng kín, máy điều hòa không khí chạy liên tục. Mẹ tôi phải mang khẩu trang đi mua sắm. Nhìn ra ngoài không thấy gì cả”, chị Wu kể. Bác sĩ Philip Koh nói với AFP rằng số người tìm đến ông trong tuần qua tăng 20%. Các trường học ở Singapore đóng cửa vì đang nghỉ hè, còn tại các tỉnh miền Nam Malaysia cũng bị ảnh hưởng khi có đến 300 trường học phải đóng cửa.
Nhiều chuyến bay từ sân bay Changi của Singapore và sân bay tỉnh Riau của Indonesia bị hoãn. Bộ trưởng Môi trường Singapore cho rằng đất nước này đang trải qua cuộc khủng hoảng về môi trường nghiêm trọng nhất từ trước tới nay. Không khí và các nguồn nước cùng bị ô nhiễm.
Trong khi đó, tại Indonesia, Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono tuyên bố sẽ huy động “toàn bộ nguồn lực của đất nước” để dập lửa. Cơ quan quản lý thảm họa quốc gia của Indonesia cho biết họ điều trực thăng chữa cháy cùng hơn 100 lính chữa cháy tham gia dập tắt các đám cháy ở Sumatra. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã quy trách nhiệm cho Indonesia gây ô nhiễm môi trường và yêu cầu Jakarta giải quyết dứt điểm nạn đốt phá rừng lấy đất canh tác gây ô nhiễm không khí.
Tuy nhiên, ông Agung Laksono, Bộ trưởng đặc trách các vấn đề phúc lợi của Indonesia, cho rằng đây là trách nhiệm chung của cả hai nước, bởi vì nhiều tập đoàn của Singapore đầu tư vào các dự án khai thác dầu cọ tại đảo Sumatra, Indonesia.
Vấn nạn đốt rừng, phá rừng kéo dài từ thế kỷ trước tới nay xem ra vẫn còn vượt tầm kiểm soát ở nhiều nước. Điều này càng tồi tệ hơn trong bối cảnh khí thải gây hiệu ứng nhà kính đang ở mức báo động, gây biến đổi khí hậu toàn cầu.
KHÁNH MINH