Singapore thúc đẩy các dự án sáng tạo mới

Đầu tư cho đổi mới sáng tạo (ĐMST) là chính sách được Chính phủ Singapore thực hiện từ nhiều năm nay. Cho đến thời điểm hiện tại, dù khó khăn do dịch bệnh xuất hiện, chính sách này vẫn được duy trì và có sự điều chỉnh phù hợp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì sức cạnh tranh trên toàn cầu.
Singapore chú trọng hỗ trợ dự án đổi mới sáng tạo
Singapore chú trọng hỗ trợ dự án đổi mới sáng tạo

Mới đây, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore Heng Swee Keat đã công bố dự thảo ngân sách năm 2021 của Singapore với tổng trị giá khoảng 107 tỷ SGD (80 tỷ USD), trong đó có nội dung tiếp tục hỗ trợ lĩnh vực ĐMST.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc hình thành, phát triển các ý tưởng sáng tạo, Chính phủ Singapore sẽ tiếp tục đầu tư vào 3 nền tảng: Chương trình Khởi động doanh nghiệp (CVL) mới, Nền tảng đổi mới mở (OIP) hiện có và Liên minh đổi mới toàn cầu (GIA). Chương trình CVL sẽ được thử nghiệm trong năm nay nhằm thúc đẩy các dự án sáng tạo mới.

Trong khi đó, liên minh GIA hỗ trợ sự hợp tác xuyên biên giới giữa Singapore và các trung tâm ĐMST lớn trên toàn cầu. Mạng lưới của GIA hiện có 15 liên kết thành phố, bao gồm Bangkok (Thái Lan), TPHCM (Việt Nam), Jakarta (Indonesia), Manila (Philippines) và dự kiến được mở rộng tới hơn 25 thành phố trên khắp thế giới trong 5 năm tới. Chương trình đổi mới này sẽ được đưa vào GIA và hỗ trợ tới 70% chi phí hợp lệ cho các dự án đổi mới và hợp tác xuyên biên giới. 

Chính phủ Singapore cũng xác định cần có thay đổi lớn trong nền kinh tế hậu Covid-19, do đó sẽ có sự chuyển đổi từ các phương thức giao dịch vật lý sang kỹ thuật số xuyên biên giới địa lý và sự chuyển đổi từ tài sản hữu hình sang tài sản vô hình (IA) trong việc tạo ra giá trị. IA bao gồm kiến thức, mạng lưới và dữ liệu mà các doanh nghiệp có thể sử dụng để tạo ra các công nghệ và cải tiến mới. Trong tháng 4 tới, Singapore sẽ phát triển Chiến lược sở hữu trí tuệ Singapore 2030 để hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại hóa thành quả đổi mới của họ. Chiến lược này sẽ bao gồm việc trang bị cho doanh nghiệp các công cụ để định giá IA, đồng thời đào tạo các chuyên gia lành nghề trong lĩnh vực này. 

Dự kiến, 24 tỷ SGD trong ngân sách năm 2021 cũng sẽ được phân bổ trong vòng 3 năm tới để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và người lao động nước này có thể vươn lên mạnh mẽ hơn khi đối mặt với những thay đổi cơ cấu kinh tế toàn cầu. Số tiền sẽ được dùng để phát triển một cộng đồng doanh nghiệp năng động, kết nối sâu rộng với châu Á và thế giới; tạo nguồn vốn đa dạng cho các doanh nghiệp chuyển đổi và mở rộng quy mô; tạo cơ hội việc làm và thiết kế lại công việc cho mọi người để phát triển kỹ năng, sự sáng tạo và năng lực của họ.

Từ năm 2000, Chính phủ Singapore đã xác định cùng với tri thức, ĐMST là 2 động lực đảm bảo cho Singapore phát triển bền vững. Từ đó đến nay, nước này luôn chú trọng đầu tư cho việc giáo dục người dân, đặc biệt là tinh thần kỷ luật, tác phong làm việc trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật công nghệ để vươn lên vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực ĐMST toàn cầu. Trong năm 2020, Singapore tiếp tục giữ vị trí đứng đầu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm thứ 7 liên tiếp và duy trì vị trí thứ 8 toàn cầu về chỉ số ĐMST toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục