Hiện nay trên internet có nhiều trang web rao bán phần mềm cho phép người sử dụng nhập số điện thoại bất kỳ để nhắn tin hoặc gọi điện thoại dưới số của người khác. Trong các phần mềm đó, phầm mềm có tên Frien… đang “làm mưa làm gió” khiến không ít người sử dụng điện thoại di động phải mệt mỏi, thậm chí mất ăn mất ngủ.
Giả bất kỳ số điện thoại nào
Cách đây không lâu, người dùng di động trong nước được cảnh báo về phần mềm có tên Frien… có thể gọi điện thoại internet (VoIP) tới các số di động ở Việt Nam và mạo danh bất kỳ số điện thoại nào.
Để sử dụng phần mềm Frien..., người sử dụng chỉ việc đăng ký một tài khoản miễn phí. Với mỗi tài khoản miễn phí này, người dùng có 0,1 EUR và chỉ có thể nhá máy mà không thể thực hiện được cuộc gọi. Để gọi được điện thoại từ ứng dụng này, người sử dụng phải tiến hành nạp credit hay mua thông qua tài khoản iTunes.
Chính vì thế không xa lạ gì khi trên một số diễn đàn, đã xuất hiện những thành viên rao bán tài khoản Frien... với giá từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng.
Sau khi phát hiện phần mềm mạo danh số điện thoại được phát tán, Viettel đã xem xét lọc ra và chặn địa chỉ phần mềm này để bảo vệ khách hàng trước cuộc gọi mạo danh. Tuy nhiên, việc xử lý các cuộc gọi mạo danh từ môi trường internet không thể chặn hoàn toàn vì có nhiều loại phần mềm và phải chặn có địa chỉ, nếu chặn hết sẽ ảnh hưởng đến các cuộc gọi VoIP.
Cùng với Viettel, mạng di động MobiFone cho biết, mạng này đã tiến hành chèn thêm ký tự hoặc số thực (prefix) vào các cuộc gọi này để người nhận cuộc gọi phân biệt được ngay đây là các cuộc gọi từ internet.
Tin nhắn cũng giả
Trong khi các nhà mạng vẫn tìm cách tốt nhất để khắc phục bằng cách lọc các cuộc gọi phát sinh từ internet thì mới đây nhất việc giả mạo tin nhắn SMS qua phần mềm có cũng có tên Frien… lại xuất hiện. Phần mềm này được rao bán đầy các “chợ ảo”.
Trên website mua…, nhiều tin rao bán tài khoản 100 USD có giá 50.000 đồng, mua 5 tặng 1, còn trên tại Fake…, chỉ với 50.000 đồng (cho 250 tin nhắn SMS) khách hàng có thể giả mạo bất kỳ một số điện thoại nào đó để nhắn tin theo ý muốn.
Một website khác rao: “Đã bao giờ bạn nhận được tin nhắn từ chính số điện thoại của bạn hoặc từ một số bao gồm cả chữ cái mà bạn không thể hồi âm lại được, tệ hơn nữa là tin nhắn từ số điện thoại của người quen, nhưng đến khi hỏi thì người đó hoàn toàn không biết gì về tin nhắn đó? Những điều tưởng chừng không thể bây giờ lại quá dễ dàng với phần mềm Frien…, giao hàng tận nhà”.
Cảnh báo và ngăn chặn
Với hiện tượng này, phía MobiFone cho rằng điều quan trọng trước hết là người sử dụng cần thận trọng với những tin nhắn, đặc biệt là các tin nhắn liên quan đến vấn đề tài chính. Còn Vinaphone thì đang làm việc với cơ quan an ninh mạng để sớm có phần mềm phát hiện các tin báo giả như thật này.
Tuy nhiên, các nhà mạng đều đưa ra lời khuyên khách hàng: trước mắt, người sử dụng điện thoại di động cần gọi lại số gởi tin nhắn để nhận biết số đó có đích thực phải là số của chủ thuê bao vừa nhắn tin hay không...
Theo ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc bộ phận an ninh mạng - Trung tâm An ninh mạng BKIS, về mặt kỹ thuật, giả mạo tin nhắn cũng dựa trên nền công nghệ IP, nên nếu nghiên cứu kỹ, các nhà mạng cũng có thể tìm cách ngăn chặn hoặc giúp khách hàng của mình phân biệt được các tin nhắn từ internet với các tin nhắn từ một máy điện thoại di động.
Trước khi tin nhắn giả đến điện thoại di động, nó phải qua hệ thống quản lý của nhà mạng di động, khi đó nhà mạng sẽ phân biệt được đâu là tin nhắn giả (từ phần mềm Frien…) để có hình thức loại bỏ tin nhắn này hay cảnh báo cho khách hàng được biết.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, hàng triệu khách hàng là thuê bao điện thoại đi động vẫn hoang mang vì quyền lợi của mình vẫn chưa được bảo đảm trước hành vi giả mạo như trên.
BÁ TÂN