Số hóa Con đường tơ lụa

Trung Quốc tổ chức Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ ba từ ngày 17 đến 20-10 tại Bắc Kinh, kỷ niệm 10 năm sáng kiến đầu tư khổng lồ này. Giờ đây, số hóa các mục tiêu hợp tác đang là ưu tiên hàng đầu của “Vành đai và Con đường”.

Tại Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” đầu tiên năm 2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ca ngợi kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu là “dự án của thế kỷ”.

Theo báo South China Morning Post, nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết, sáng kiến “Vành đai và Con đường” đã mang lại kết nối cơ sở hạ tầng nâng cao với thế giới, đồng thời khẳng định nên thúc đẩy kết nối trên bộ, trên biển, trên không và không gian mạng, tập trung nỗ lực vào các tuyến đường, thành phố và dự án quan trọng, cũng như kết nối mạng lưới đường cao tốc, đường sắt và cảng biển. 6 năm qua, các nhà phân tích cho rằng, các thỏa thuận cơ sở hạ tầng khổng lồ đã đạt được nhiều bước tiến, mặc dù còn rất nhiều khó khăn về vốn do tác động của đại dịch Covid-19.

Theo các nhà kinh tế, số hóa các mục tiêu của “Vành đai và Con đường” có thể gọi nôm na là “Con đường tơ lụa kỹ thuật số”. Đây được xem là động lực giúp “Vành đai và Con đường” luôn hấp dẫn và giúp thúc đẩy Trung Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu về công nghệ toàn cầu. Trung Quốc đã triển khai “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” vào năm 2015 với tư cách là nhánh công nghệ của “Vành đai và Con đường” nhằm thúc đẩy kết nối kỹ thuật số.

“Con đường tơ lụa kỹ thuật số” bao trùm rộng rãi cơ sở hạ tầng mạng như 5G, thương mại điện tử và nền kinh tế kỹ thuật số cũng như quy hoạch đô thị. Vẫn theo các nhà phân tích, nỗ lực thúc đẩy số hóa của Trung Quốc là một phần trong nỗ lực củng cố vị thế nước dẫn đầu công nghệ toàn cầu, trong khi vẫn giữ cho “Vành đai và Con đường” trở nên hấp dẫn.

Theo Phó giáo sư Lim Tai Wei, Đại học Khoa học xã hội Singapore, các dự án “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” đã ngày càng trở nên quan trọng trong những năm gần đây vì một số nền kinh tế mới nổi đã phát triển vượt quá nhu cầu cơ sở hạ tầng cơ bản. Ông Lim Tai Wei cho rằng, các quốc gia đã sẵn sàng khởi động Cách mạng công nghiệp 4.0 của riêng họ và hiện đang cần Trung Quốc chia sẻ những công nghệ đó.

Tin cùng chuyên mục