
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa có bản báo cáo cho biết số người nghèo (thu nhập dưới 2 USD/ngày) tiếp tục giảm mạnh ở Đông Á từ 50% tổng dân số năm 1996 xuống còn 32% năm nay. Các nước nghèo ở châu Á đang mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là đối với hàng dệt may.

Hàng dệt may xuất khẩu giúp cải thiện nền kinh tế nhiều nước châu Á.
WB cho biết Campuchia và Lào, hai trong số những nước nghèo của châu Á, cũng đã có mức tăng đáng kể hàng dệt may xuất khẩu. WB kêu gọi các chính phủ châu Á, trong khi thực hiện các biện pháp phân phối lại nguồn của cải xã hội, cần tránh tăng thuế quá mức có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
WB nhấn mạnh chính phủ ngày càng có vai trò điều tiết rất quan trọng thông qua những thay đổi chính sách để giảm các tác động xã hội của các biến động kinh tế đến người nghèo. WB dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương chỉ giảm nhẹ trong hai năm 2005 và 2006 so với tốc độ phát triển kỷ lục 7,2% năm ngoái
Ngày 14-11, phát biểu tại phiên họp bàn về đề mục “Triển khai Thập kỷ xóa nghèo đầu tiên của Liên hợp quốc 1997-2006” của Ủy ban kinh tế-tài chính trực thuộc Đại hội đồng LHQ khóa 60, đại diện Phái đoàn thường trực nước ta tại LHQ Dương Hoài Nam đã nhấn mạnh sự cần thiết phải thiết lập một cơ chế nhằm sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực sẵn có của tất cả các ngành như tài chính, dịch vụ công cộng, đầu tư hay phát triển nhân lực cho công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Kinh nghiệm thực tế này đã giúp Việt Nam đạt được những thành tựu quan trọng để có thể hoàn thành mục tiêu Thiên niên kỷ về giảm một nửa tỷ lệ đói nghèo sớm trước thời hạn 10 năm.
Đề cập vấn đề này, ông Dương Hoài Nam cho biết tính đến năm 2004, Việt Nam đã giảm 3/5 số người thuộc diện đói nghèo so với thời điểm năm 1993, với gần 88% số người nghèo được cấp thẻ khám chữa bệnh miễn phí và hơn 400.000 căn nhà được xây mới.
Q.M tổng hợp