Số phận bất định vì Mỹ ngừng chương trình DACA

Ngày 5-9 (giờ Washington DC), Tổng thống Mỹ Donald Trump và Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions công bố ngừng áp dụng chương trình DACA (Deferred Action for Childhood Arrivals) dành cho những người nhập cư trẻ tuổi đến Mỹ.
Người Mỹ biểu tình đòi duy trì DACA
Người Mỹ biểu tình đòi duy trì DACA
 Chương trình này được Tổng thống Barack Obama ban hành tháng 6-2012, cho phép người nhập cư trái phép vào Mỹ tránh bị trục xuất và có việc làm tạm thời.

Dấu chấm hết những ước mơ

“Việc thực hiện DACA tạm thời của chính quyền Obama, sau khi Quốc hội từ chối thông qua, đã dẫn tới một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Sự gia tăng đột ngột số lượng vị thành niên từ nhiều nơi trên thế giới, trong đó Trung Mỹ chiếm đa số là nguyên nhân của băng nhóm bạo lực lan tràn trên khắp đất nước chúng ta”, đó là tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi tuyên bố ngừng áp dụng DACA.

Tổng thống Donald Trump đã cố gắn DACA với vấn đề bạo lực của những người nhập cư, trong đó có nhóm MS-13 (hay còn gọi là Mara Salvatrucha), một băng đảng Trung Mỹ đang hoạt động tại Mỹ từ những năm 1980. Nhà Trắng cũng ra tuyên bố khi cho rằng DACA đã làm gia tăng nhanh chóng trẻ vị thành niên nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ trong giai đoạn 2013-2014, vì họ muốn tận dụng lợi thế của chương trình.

Những người được thụ hưởng chương trình DACA được gọi là “dreamers” có thể ở lại Mỹ và có giấy phép làm việc được gia hạn mỗi lần 2 năm. Theo Washington Post, một cuộc khảo sát gần đây với khoảng 3.000 người đăng ký DACA cho thấy tuổi trung bình của họ khi đến Mỹ là 6 tuổi. Chính quyền Obama đề ra các yêu cầu để đủ điều kiện áp dụng DACA, bao gồm việc cư trú tại Mỹ liên tục từ ngày 15-6-2007 đến ngày 15-6-2012. Các đương đơn cũng cần phải đến Mỹ cùng với cha mẹ, phải dưới 16 tuổi, đang là học sinh và không bị kết án về trọng tội. Khi Tổng thống Obama tuyên bố chương trình này, ông nói đây chỉ là một hành động tạm thời - chứ không phải là một con đường để trở thành công dân Mỹ vì Quốc hội đã không luật hóa DACA. Vào năm 2014, gần 70.000 trẻ em từ Trung Mỹ vào Mỹ bất hợp pháp, tăng 77% so với năm 2013. 

800.000 người có nguy cơ bị trục xuất 

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu Quốc hội đến ngày 5-3-2018 phải thông qua luật thay thế DACA. Theo các quan chức chính quyền, chính phủ sẽ không chấp nhận thêm người nhập cư không có giấy tờ để tránh phải trục xuất họ. Các quan chức chính quyền cho biết những người tham gia chương trình DACA hiện tại có giấy phép hết hạn trước ngày 5-3-2018 sẽ có thể được gia hạn tình trạng của họ nếu nộp hồ sơ trước ngày 5-10. Nhưng nếu Quốc hội không hành động vào tháng 3, hàng trăm ngàn người nhập cư không có giấy tờ ở Mỹ theo chương trỉnh DACA vẫn có thể bị trục xuất. 

Ngay sau khi Tổng thống Donald Trump công bố chấm dứt chương trình DACA, hàng trăm người được thụ hưởng chương trình này và các nhà hoạt động đã cùng đến tháp Trump ở New York để phản đối. Các nhà hoạt động đã vượt qua hàng rào chắn bằng kim loại do cảnh sát thiết lập để giữ trật tự. Ít nhất 10 người đã bị bắt sau khi ngồi trên đường ở New York, không tuân theo lệnh của cảnh sát di  chuyển đi nơi khác. Những người biểu tình cho rằng nên có lời kêu gọi hành động để gây sức ép lên Quốc hội thông qua một điều luật có lợi ích lâu dài hơn, rằng DACA cho thấy họ không phải tội phạm. Ví như Mario Bueno, 24 tuổi, cho biết mình tới Mỹ khi mới 4 tuổi. Nhờ DACA, anh có thể trở lại Mexico thăm bà ngoại bị bệnh nặng vào năm 2016 và trở lại Mỹ một cách hợp pháp. Cũng nhờ DACA, gần đây anh đã có giấy hành nghề cắt tóc. Phần lớn trong số 800.000 người trong diện DACA đến từ Mexico. Thứ trưởng Ngoại giao Mexico, ông Carlos Sada, nhận định quyết định của Tổng thống Donald Trump đã gây ra “lo lắng, đau đớn và sợ hãi”.

Tin cùng chuyên mục