Thông điệp mới đây nhất từ Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng tại buổi gặp mặt các doanh nghiệp bất động sản TPHCM là “doanh nghiệp hãy tự cứu mình!” Vậy tự cứu bằng cách nào?
Trong tình cảnh khốn khó hiện nay, nhiều cú bắt tay đã giải phóng sức ép hàng tồn kho đáng kể. Dự án chung cư 27 Trường Chinh quận 12 do Công ty Kim Tâm Hải làm chủ đầu tư, mặc dù đã cất nóc, bán được 50% số lượng căn hộ. Tuy nhiên, do đầu tư quá nhiều dự án, không xoay kịp dòng tiền, nên dự án đã phải dừng thi công khoảng một năm nay. Nhận định chung cư có vị trí tốt, cộng với mức giá đưa ra hợp lý (khoảng 12,3 triệu đồng/m2) nên Công ty Hưng Thịnh Land đã đàm phán liên kết với chủ đầu tư đưa dự án đến cùng.
Theo tính toán, số tiền công ty này bơm vào khoảng 40 tỷ đồng. Ông Nguyễn Duy Minh, Phó Tổng giám đốc Công ty Hưng Thịnh Land, cho biết toàn bộ số tiền khách hàng mua sản phẩm sẽ đưa vào một tài khoản riêng để giải ngân cho dự án, nhằm đảm bảo thi công đúng tiến độ. Trong trường hợp khách hàng đóng tiền không kịp, Hưng Thịnh Land sẽ đứng ra bỏ tiền vào để làm dự án, nói nôm na công ty đứng ra “bảo kê” cho dự án về đích.
Mới đây một công ty con chuyên về môi giới của Tập đoàn Đất Xanh đã công bố “bơm” khoảng 300 tỷ đồng vào dự án chung cư Sunview 3 Gò Vấp của Tập đoàn CT Group. Số tiền trên giúp Đất Xanh giành được quyền phân phối 2 block tại chung cư này.
Theo Công ty cổ phần Xây dựng Hòa Bình, hiện rất nhiều dự án công ty này nhận thi công, thay vì được trả bằng tiền mặt, chủ đầu tư quy ra toàn bộ hoặc một phần căn hộ để trả. Ông Lê Quốc Duy, Phó Tổng giám đốc công ty cho biết, nhờ có hệ thống sàn giao dịch bất động sản nên mới dám nhận thi công theo hình thức này. Điều này vừa giúp công ty có được hợp đồng thi công vừa giúp sàn giao dịch bất động sản có được sản phẩm để bán.
Hạ giá đang được xem là sự kỳ vọng lớn của thị trường. Tuy nhiên, trên thực tế việc hạ giá rất khó khăn hoặc rất ít chủ đầu tư thực hiện. Tính đến nay, tại thị trường TPHCM việc giảm giá căn hộ gần như xoay quanh các dự án do Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) thực hiện. Mới đây nhất là dự án Thanh Bình quận 7, việc giảm giá đã tiêu thụ trên 400 căn hộ trong vòng 3 tuần mở bán. Có lần trao đổi với báo chí, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị HAG nói, việc hạ giá nhà đất của Hoàng Anh Gia Lai là cần thiết, bởi “đất không bán được cũng chỉ là cục đất”, “thà bán rẻ lúc này để lấy được tiền tốt hơn là không bán được”. Ông cũng nói: “Kinh nghiệm từ các nước trên thế giới, làm địa ốc mà lãi vay trên 10% là không có lời. Ví dụ như Thái Lan, thu nhập cao gấp 4 lần Việt Nam nhưng phi lý là giá nhà Việt Nam lại cao hơn rất nhiều”.
Từ quan điểm này, việc hạ giá của HAG vô hình trung đã thiết lập một mặt bằng giá mới, không có ai dại gì mà tại cùng một địa điểm, xây dựng như nhau mà phải mua nhà giá đắt gấp rưỡi, gấp đôi. Với quỹ khu đất hiện có, ông Đức nói, cứ mỗi năm tung ra ít nhất 2.000 căn hộ thì chục năm nữa xây cũng chưa hết, và “bán rẻ sẽ mua rẻ”, tức là khi bán nhà rẻ sau đó đương nhiên sẽ mua được đất rẻ rồi xây lên bán nhà rẻ tiếp, chứ ôm “cục đất” 4 năm sau bị ngân hàng “lấy mất”!
Như vậy, ai cứu địa ốc? Chỉ có hai giải pháp, thứ nhất, Nhà nước phải tháo gỡ toàn bộ ách tắc do thủ tục hành chính mà doanh nghiệp, hiệp hội bất động sản đã kêu ca lâu nay, tức là phá rào hành chính! Thứ hai, doanh nghiệp tự cứu bằng một cách duy nhất là… hạ giá, hạ càng sâu càng tốt, cho đến khi với thu nhập hiện tại, mọi người đều có thể mua nhà, lúc đó thị trường bỗng dưng sẽ ấm lại thôi!
Lương Thiện