Bế mạc Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ

Số vốn cam kết đạt kỷ lục: 5,426 tỷ USD

Người dân VN đã được hưởng lợi ích từ các dự án ODA
Số vốn cam kết đạt kỷ lục: 5,426 tỷ USD

Tại phiên bế mạc Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ, tổng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cam kết cho năm 2008 lên tới trên 5,426 tỷ USD quy đổi (tính theo tỷ giá hối đoái ngày 5-12-2007). Trong đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là nhà tài trợ đa phương lớn nhất cho Việt Nam, với 1,35 tỷ USD, tiếp đến là Ngân hàng Thế giới (WB) với 1,11 tỷ USD. Về phía các nhà tài trợ song phương, Nhật Bản tiếp tục giữ vị trí hàng đầu với hơn 1,111 tỷ USD. Các nhà tài trợ trong khối EU đã cam kết tổng cộng 962,8 triệu USD (quy đổi), trong đó Pháp là nhà tài trợ lớn nhất trong khối này, với 228 triệu USD.

Người dân VN đã được hưởng lợi ích từ các dự án ODA

Số vốn cam kết đạt kỷ lục: 5,426 tỷ USD ảnh 1

Các nhà tư vấn nước ngoài trao đổi bên hành lang hội nghị. Ảnh: Minh Điền

Bình luận về mức vốn cam kết này, ông Ayumi Konishi, Giám đốc ADB tại Việt Nam coi đây là một bước nhảy vọt lớn. Còn ông Ajay Chhibber, Giám đốc WB tại VN thì giải thích: “Khoản vốn cam kết cho Việt Nam luôn tăng trưởng trong những năm qua và đạt tới con số kỷ lục trên vì VN là một trong những nước sử dụng ODA một cách hữu hiệu, đem lại cho người dân những lợi ích thiết thực”.

Mặc dù chỉ ra rằng vẫn còn nhiều dự án ODA tại Việt Nam có tiến độ giải ngân chậm, song ông Ajay Chhibber chia sẻ: “Đặc điểm sử dụng vốn ODA của VN là sử dụng tới hơn 50% cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng (ở các nước châu Phi, tỷ lệ này chỉ khoảng 1/3), mà việc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng thì bao giờ cũng khó khăn hơn và đòi hỏi thời gian lâu hơn”.

Giám đốc WB tại Việt Nam còn cho biết, thực hiện lời hứa của vị Giám đốc World Bank với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến thăm Việt Nam gần đây của ông này, WB đang phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư khảo sát, đánh giá để sớm mở ra một kênh vốn mới cho VN: vốn cho vay tái thiết phát triển. “Đây là nguồn vốn có lãi suất thấp nhất trong các dòng vốn vay của WB với thời hạn cho vay 20 năm, có 5 năm ân hạn, chủ yếu ưu tiên cho 3 lĩnh vực: giao thông, năng lượng và giáo dục đại học. Đây cũng là 3 lĩnh vực của VN mà các nhà tài trợ coi là còn nhiều bất cập”, ông nói.

Sau mừng là lo

Tuy các nhà tài trợ đều có chung nhận định VN đang sử dụng tốt nguồn vốn ODA, song VN vẫn còn phải phấn đấu để đạt mức giải ngân ODA bình quân hàng năm bằng mức của khu vực. Ông Trần Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Đối ngoại (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) cho biết, bình quân vòng đời của một dự án khoảng 5 năm, song có khá nhiều dự án của nhóm 5 ngân hàng phát triển tại VN đã trải qua 4 năm mà vẫn có mức giải ngân đạt thấp, phải xin gia hạn. Tiêu biểu là Dự án thoát nước và xử lý nước thải TP Vinh, Dự án thoát nước và xử lý nước thải TP Cần Thơ, Dự án kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè TPHCM (vốn WB), Dự án vệ sinh môi trường TPHCM (vốn ADB)…

Việc chậm thực hiện dự án làm hạn chế lợi ích mà dự án mang lại, chi phí giám sát và quản lý tăng cao, trong khi Chính phủ vẫn phải trả phí cam kết đối với vốn ODA không giải ngân được. Để cải thiện tình trạng này, các nhà tài trợ mong muốn VN phối hợp chặt chẽ để xúc tiến quá trình hài hòa hóa thủ tục giữa các bên, đồng thời “nâng cấp” chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền, nhất là ở cấp địa phương và các ban quản lý dự án.

Chính phủ Việt Nam đặt ra mục tiêu thực hiện 11 tỷ USD vốn ODA trong thời kỳ 2006 – 2010. Mỗi dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng trị giá 100 triệu USD sẽ tạo cơ hội thoát nghèo cho khoảng 210.000 người dân và nếu tăng được tỷ lệ giải ngân từ 10% lên 20% thì có thể đóng góp thêm 0,3% cho tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam.

Nguồn: Ngân hàng Thế giới (WB)

Bên cạnh đó, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Hervé Bolot lưu ý: “Phần lớn người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa vẫn còn rất dễ bị tổn thương bởi những cú sốc môi trường và kinh tế, rất dễ bị tái nghèo”.

Giám đốc ADB tại Việt Nam thì hy vọng được chứng kiến sự cải thiện nhanh chóng hơn nữa về thể chế, về các dịch vụ hành chính công cũng như hiệu quả của công cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Ông khuyến nghị: “Muốn chống tham nhũng có hiệu quả dĩ nhiên không chỉ cần cải cách hành chính mà còn phải cải cách hệ thống tư pháp và nhiều lĩnh vực khác nữa để đảm bảo sự tham gia mạnh mẽ của xã hội dân sự vào công cuộc này”.

Anh Thư

Tin cùng chuyên mục