Sớm đầu tư, làm chủ công nghệ

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư máy, thiết bị nhưng chất lượng chưa cao, đa phần máy móc được nhập từ Trung Quốc. Trong khi các thiết bị này trong nước có thể sản xuất được.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư máy, thiết bị nhưng chất lượng chưa cao, đa phần máy móc được nhập từ Trung Quốc. Trong khi các thiết bị này trong nước có thể sản xuất được.

Nghịch lý này được Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đặt ra tại cuộc họp với đại diện 17 tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước; các sở-ngành; trường đại học và viện nghiên cứu trên địa bàn TP vào sáng 13-6.

Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TP cho biết, tổ công tác của sở đã làm việc với 13 tổng công ty, doanh nghiệp có đề án tái cấu trúc. Ngoài ra, sở đã tiếp nhận và khuyến khích hơn 70 doanh nghiệp nhà nước thành lập Quỹ phát triển KH-CN. Trong đó, 29 doanh nghiệp đã trích lập quỹ với số tiền hơn 380 tỷ đồng.

Tiến sĩ Mai Thanh Phong, đại diện Trường Đại học Bách khoa TPHCM cho biết, cái khác của Việt Nam so với ở Trung Quốc là việc sản xuất máy móc thiếu quá nhiều nguyên vật liệu. Hiện tại các nhà khoa học trong nước cũng chỉ có thể làm được những dây chuyền máy móc cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong khi đó, giữa nhà trường và doanh nghiệp chưa cung cấp thông tin cho nhau. Nhà khoa học không biết doanh nghiệp cần gì và ngược lại.

Theo nhận định của ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công thương TP, hoạt động đầu tư máy móc thiết bị, nhà xưởng để sản xuất, đa phần các doanh nghiệp đều nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc, bởi giá rẻ, phương thức giao nhận đơn giản, nhanh chóng. Tuy nhiên, máy móc giá rẻ của Trung Quốc thường có công nghệ thấp và lạc hậu. Các doanh nghiệp cần sớm có phương án thay đổi công nghệ tiên tiến hơn. Nhất là trong trường hợp quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đang diễn biến theo chiều hướng xấu.

Trước các ý kiến trên, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân cho rằng, việc đổi mới máy móc, làm chủ công nghệ thành phố đã có chủ trương từ lâu, nhưng đến nay các đơn vị thực hiện, phối hợp chưa có chiến lược dài hơi để gắn đơn vị nghiên cứu với doanh nghiệp. Nhân lực về KH-CN hiện nay của thành phố có thể chế tạo được nhiều loại máy móc.

Sở KH-CN phải làm đầu mối để các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn nhân lực này, sẵn sàng hỗ trợ, tài trợ cho nguồn kỹ sư này dài hơi. Sở Công thương phải đề xuất các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị thay thế công nghệ lạc hậu. Không thể chỉ nghĩ đến việc đi mua của nước ngoài, mà phải có các trung tâm sản xuất máy móc, thiết bị thay thế dần nhập khẩu và tiến tới xuất khẩu sang một số thị trường trong khu vực.

“Ngoài tiền nghiên cứu từ ngân sách, UBND TP sẽ đứng ra kết nối ngân hàng với trường để đầu tư nghiên cứu, cho ra sản phẩm công nghệ. Qua đó mới xây dựng thương hiệu, uy tín của nhà trường. Xét cần, có thể có chính sách khen thưởng cho trường, viện, doanh nghiệp ứng dụng KH-CN hiệu quả hoặc tìm kiếm được thị trường mới. Quan trọng hơn, các đơn vị này phải liên kết quảng bá sản phẩm của nhau, giới thiệu thị trường cho nhau để cùng phát triển”, Chủ tịch Lê Hoàng Quân yêu cầu.

Hợp tác giáo dục và khoa học công nghệ Thụy Sĩ - Việt Nam

Chiều 13-6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Nghiên cứu và Đổi mới Thụy Sĩ - ông Mauro Dell’Ambrogio, cùng các nhà khoa học Thụy Sĩ đã có chuyến thăm và gặp gỡ với các nhà khoa học Trường ĐH Bách khoa TPHCM. Ông Mauro Dell’Ambrogio cho biết, chuyến thăm nhằm đẩy mạnh hợp tác song phương trong lĩnh vực giáo dục và khoa học công nghệ giữa các trường đại học hai nước. Bên cạnh đó, hai bên cũng thảo luận các liên kết giữa nhà trường với các doanh nghiệp Thụy Sĩ đang hoạt động tại Việt Nam.


TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục