Sớm sửa đổi, bổ sung nhiều sắc thuế

Trong một năm được dự báo còn nhiều khó khăn như năm 2024, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả công tác thu thuế, việc có thêm nguồn thu để đảm bảo cân đối ngân sách là thách thức không nhỏ. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, PGS-TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) nhận định, nhiều sắc thuế hiện nay có sự bất hợp lý. Vì vậy, khi điều chỉnh phù hợp khung khổ pháp luật về thuế, ngân sách sẽ có thêm nguồn thu ổn định.

PGS-TS Vũ Sỹ Cường
PGS-TS Vũ Sỹ Cường

- PHÓNG VIÊN: Có vẻ như thu ngân sách của chúng ta còn phụ thuộc nhiều vào nguồn thu không chắc chắn, như thu từ đất đai, trong khi cơ cấu một số khoản thu khác được cho là chưa hợp lý, thưa ông?

* PGS-TS VŨ SỸ CƯỜNG: Đúng vậy. Ngân sách hiện nay phụ thuộc khá lớn vào nguồn thu từ đất đai, nhất là với ngân sách địa phương. Nếu sửa đổi những bất hợp lý trong hệ thống thu ngân sách hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể tăng thu vững chắc. Tôi cho rằng, từ nay đến năm 2030 có rất nhiều vấn đề phải làm để cân đối ngân sách, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về thuế.

- Ông có thể chỉ rõ những sắc thuế nào bất hợp lý?

* Thuế tiêu thụ đặc biệt, nhất là các mức thuế suất. Bên cạnh đó, trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng kể từ 1-1-2024, không chỉ có thuế thu nhập doanh nghiệp mà nhiều sắc thuế khác nên được xem xét lại. Chúng ta đang thảo luận cải cách thuế, theo tôi là hơi chậm, vì thuế không còn là công cụ hữu hiệu để thu hút đầu tư. Nhiều quốc gia đã tính toán trước vấn đề này khi xu hướng thay đổi. Thuế suất danh nghĩa với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hiện nay là 20%, nhưng thực tế chỉ khoảng 12%-13%. Do đó, tới đây làm thế nào để giữ và thu hút thêm đầu tư là bài toán khó. Xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước đang mạnh trở lại, nên phải tính đến các chính sách phù hợp, để bảo vệ hàng hóa nội địa; hoặc đã đến lúc tính thuế carbon khi nhiều nước đã áp dụng để hạn chế xả thải. Việt Nam hướng đến mục tiêu Net Zero vào năm 2050, sẽ rất cần có sắc thuế này. Khi nguồn thu ngân sách không đủ để đảm bảo chi trả cho các dịch vụ công, khái niệm “xã hội hóa” được sử dụng để chỉ việc người dân đóng góp thêm khi sử dụng dịch vụ công mà xét về thực chất cũng là một khoản thu bắt buộc. Tôi cho rằng, hệ thống thuế, phí hiện nay đang đặt gánh nặng lớn nhất lên tầng lớp có thu nhập khá và trung bình khá, trong khi lại ưu ái những người giàu nhất.

* Ông muốn nói đến thuế thu nhập cá nhân (TNCN)?

- Không chỉ thuế TNCN, dù thuế TNCN là một ví dụ khá điển hình. Cách đánh thuế TNCN hiện nay đơn giản, thuận tiện cho cơ quan hành thu, nhưng không khuyến khích được các chuyên gia giỏi làm việc, cống hiến. Hiện nay, người có thu nhập 960 triệu đồng/năm đang phải chịu thuế suất thuế TNCN bậc cao nhất (35%), nghĩa là thực tế chỉ nhận được khoảng 740 triệu đồng/năm (gần 62 triệu đồng/tháng), trong khi đây chưa phải là mức lương hấp dẫn đối với chuyên gia giỏi, nhất là chuyên gia trong các lĩnh vực công nghệ cao mà chúng ta đang muốn thu hút họ về làm việc. Kỹ thuật đánh thuế cũng chưa hợp lý. Khấu trừ gia cảnh cho mọi người như nhau, trong khi mức chi tiêu để đảm bảo cùng một mặt bằng sinh hoạt ở thành phố và nông thôn rất khác nhau, chi phí tạo ra thu nhập ở các ngành cũng rất khác nhau. Theo tôi, mức thu nhập chịu thuế phải tăng lên, bậc thu nhập chịu thuế giãn ra, chiết trừ gia cảnh có thể tính đến yếu tố cư trú, ngành nghề. Bên cạnh đó, cần xem xét đánh thuế những khoản thu nhập lớn không thường xuyên, ví dụ thu nhập từ tài sản thừa kế, tất nhiên là khi chạm đến một ngưỡng nào đó. Số thu từ thuế TNCN chiếm khoảng 7%-8% tổng thu ngân sách ở Việt Nam. Trong khi, ở các nước có điều kiện tương đương là khoảng 13%-15%, còn các nước phát triển có thể tới 35% tổng thu ngân sách nhà nước.

- Việc sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNCN đã được đề nghị đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội năm 2024. Theo ông, túi tiền ngân sách còn có thể “dày” hơn bằng cách nào?

* Cần rà soát, sửa đổi các loại thuế liên quan đến bất động sản, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế carbon... Sửa cụ thể như thế nào, phải nghiên cứu kỹ.

- Có ý kiến cho rằng, dư địa vay nợ nước ngoài còn khá lớn, có thể là nguồn bổ sung tín dụng tốt, góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Ông nghĩ sao?

* Các tiêu chí về nợ hiện nay đều trong giới hạn an toàn, nên tôi cho rằng nguồn vốn vay ODA cũng là một lựa chọn khả dĩ, nhưng vẫn phải thận trọng và tính toán kỹ chi phí, vì đôi khi những điều kiện kèm theo sẽ khiến khoản vay chỉ có lãi suất thấp trên danh nghĩa, chứ thực tế không “mềm mại” như vậy. Mặt khác, hiện nay nguồn tín dụng trong nước còn khá dồi dào, hạn mức tín dụng chưa dùng hết. Mặt khác, chúng ta vẫn còn có thể phát hành trái phiếu chính phủ. Nói ngắn gọn, tôi cho rằng, nguồn tiền hiện không phải vấn đề lớn nhất cho đầu tư, mà là chúng ta có tiêu được tiền một cách hiệu quả nhất hay không.

Theo Nghị quyết số 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán số thu ngân sách nhà nước năm 2024 là 1.700.988 tỷ đồng. Thu chuyển nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2023 còn dư chuyển sang bố trí dự toán năm 2024 của một số địa phương là 19.040 tỷ đồng để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng. So sánh với dự toán năm 2023, dự toán số thu ngân sách nhà nước năm 2024 tăng 80.100 tỷ đồng (khoảng 5%). Ngày 29-12-2023, Tổng cục Thống kê cho biết, thu ngân sách nhà nước năm 2023 ước giảm 5,4% trong khi chi ngân sách nhà nước ước tăng 10,9% so với năm 2022.

Tin cùng chuyên mục