Sống chết trong đơn độc

Trong một nền văn hóa mà lễ tang thường được tổ chức xa hoa, kéo dài ít nhất 3 ngày với hàng trăm người đến viếng, thì đám tang mới đây của ông Song In-sik, 47 tuổi, là một đám tang khiêm tốn nhất khi chỉ có một người khách viếng. Đó là Park Jin-ok - một nhà tình nguyện tổ chức tang lễ cho người vô gia cư. “Đám tang” diễn ra tại nhà xác đông lạnh của Bệnh viện Sungae với 1 dĩa trái cây, ít cá khô và một bình hoa giả. Người chết sau đó được hỏa thiêu.

Trong một nền văn hóa mà lễ tang thường được tổ chức xa hoa, kéo dài ít nhất 3 ngày với hàng trăm người đến viếng, thì đám tang mới đây của ông Song In-sik, 47 tuổi, là một đám tang khiêm tốn nhất khi chỉ có một người khách viếng. Đó là Park Jin-ok - một nhà tình nguyện tổ chức tang lễ cho người vô gia cư. “Đám tang” diễn ra tại nhà xác đông lạnh của Bệnh viện Sungae với 1 dĩa trái cây, ít cá khô và một bình hoa giả. Người chết sau đó được hỏa thiêu.

Hiện tượng “cái chết đơn độc”, không họ hàng thân thích lo hậu sự đang ngày càng tăng ở Hàn Quốc, từ 682 trường hợp năm 2011 lên đến 1.008 trường hợp trong năm ngoái (theo thống kê của chính phủ) cho thấy cấu trúc gia đình truyền thống luôn được đánh giá cao tại xứ sở kim chi đang thay đổi. Truyền thống tại Hàn Quốc gần như mai một nhiều, khi mà hiện nay người già không còn khoản tiết kiệm nào (vì hy sinh cho đầu tư con cái) nhưng lại không được con cái phụng dưỡng. Theo báo cáo hàng năm mang tên “How’s Life” của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vừa công bố tháng 10 vừa qua, về câu hỏi liệu có bà con hoặc bạn bè nào giúp đỡ khi cần thiết, thì Hàn Quốc bị xếp vào hàng dưới cùng trong số các nước này.

Mặc dù Hàn Quốc được hưởng lợi từ một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ trong những thập kỷ gần đây, nhưng nhiều gia đình vẫn chưa thoát ra khỏi hậu quả của những biến động về kinh tế và nhân khẩu học. Theo thống kê, nhiều người mất việc trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối những năm 1990 thì hầu như không thể hồi phục bởi không đuổi kịp một xã hội có nhịp sống nhanh hơn, cạnh tranh khốc liệt hơn. Người càng lớn tuổi thì càng bị tụt lại phía sau xa hơn. Ở vào ngưỡng trên dưới 50 tuổi, nhiều người trong số này đêm đêm phải ngủ trong những chiếc thùng carton ở các trạm xe điện ngầm ở Seoul - những cảnh tuyệt vọng chỉ thấy sau chiến tranh Triều Tiên. Theo Kim Jae-ho, thuộc Viện Sức khỏe và Xã hội Hàn Quốc (KIHSA), những người trong tầng lớp có thu nhập thấp không thể đưa thi thể người thân về lo hậu sự vì gánh nặng kinh tế của đám tang.

Hàn Quốc là một trong những xã hội có tốc độ lão hóa nhanh nhất thế giới, với người 65 tuổi trở lên chiếm 13,1% dân số, tăng khá nhanh so với 3,8% trong năm 1980. Theo Chỉ số hưu trí toàn cầu 2015 - đo lường các tiêu chí về sức khỏe của người nghỉ hưu, cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao cũng như sự an toàn và sự sẵn có các phương tiện để sống thoải mái.... của 25 nền kinh tế lớn -  cũng vừa được công bố vào tháng 10 cho thấy Hàn Quốc xếp hạng thứ 24, chỉ hơn Ấn Độ. Báo NYT dẫn số liệu của chính phủ cho biết năm ngoái chỉ 45% người Hàn Quốc trong độ tuổi từ 55 và 79 nhận được lương hưu ở mức 431 USD/tháng, khoảng 82% chi phí sống tối thiểu cho một người độc thân. Theo KIHSA, cứ 4 người già Hàn Quốc là có một người bị trầm cảm. Họ trở thành một nhóm đối tượng có tỷ lệ tự tử cao gấp đôi tỷ lệ tự tử quốc gia.

Một trong những lo sợ cuối đời của người nghèo là chết mà không được tổ chức tang lễ. “Một xã hội mà để cho người nghèo chết đơn độc, không có nổi một đám tang là một xã hội đang không còn trái tim”, như tổ chức tình nguyện lo tang cho người vô gia cư Nanum & Nanum nhận định.


HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục