Mình là người Việt, lớn lên ở Nga và theo chồng sang Na Uy. Hồi ở Nga, đôi khi ra đường rất sợ bọn đầu trọc chuyên tấn công người nước ngoài. Từ lúc sang Na Uy cách đây 2 năm, mình đã có lại cảm giác an toàn như hồi sống ở quê hương Việt Nam. Nhưng sau vụ thảm sát tháng trước, đất nước miền tuyết trắng này giờ không còn là nơi thanh bình nữa. Bạn đọc báo thấy nói hơn 70.000 trẻ em đang đối mặt chứng bệnh sợ hãi.
Người Na Uy nhìn chung rất lịch thiệp, văn minh và tốt bụng. Tuy vậy, cũng giống đa số người dân Bắc Âu, họ có vẻ hơi lạnh lùng (không biết có phải do khí hậu xứ này lạnh quá chăng). Vì vậy mà khi họ đến Việt Nam đều khen người Việt Nam nồng nhiệt và hiếu khách (chắc có lẽ vì dân mình hay cười). Nhịp sống ở Na Uy nếu so với Nga phải nói là thong thả, đời sống thì quá yên bình, được đảm bảo về nhiều mặt. Nhưng điều quan trọng nhất, mình nhận thấy người Na Uy rất ít khi căng thẳng, lo âu, sợ hãi điều gì. Bởi vì đúng là cuộc sống của phần đông người Na Uy không có gì phải lo lắng. Ngay từ khi mới sinh ra, mọi trẻ em Na Uy được chính phủ trợ cấp cho đến năm 18 tuổi. Suốt thời gian các em đi học từ mẫu giáo, tiểu học cho đến hết bậc trung học, bố mẹ không phải đóng một đồng nào, sách vở cũng được cấp không hoặc cho mượn (rất giống như thời bao cấp ở Việt Nam mà bố mẹ mình hay kể). Các xứ Bắc Âu vốn coi trọng sự bình đẳng trong xã hội hơn cả yếu tố cá nhân, nên mọi trường tiểu học, trung học đều như nhau, không có trường điểm, trường chuyên, trường chọn.
Người Na Uy được hưởng giáo dục, y tế miễn phí và nhiều quyền lợi khác, khi thất nghiệp, lúc đau yếu, về hưu, tuổi già… có nhà nước lo toàn bộ. Không cần phải tích cóp cho con cái, bởi cuộc đời của chúng cũng sẽ an toàn như đời mình vậy.
Như hầu hết các nước Bắc Âu khác, Na Uy theo thể chế quân chủ lập hiến, nhưng trong cách điều hành, quản lý xã hội lại theo mô hình xã hội dân chủ. Là nền kinh tế thị trường nhưng nhà nước sở hữu vốn lớn và kiểm soát các ngành chủ chốt, một xã hội bình đẳng, khoảng cách giàu nghèo không quá lớn. Môi trường sống trong lành, rất ít tai nạn giao thông, tỷ lệ tội phạm thấp… Nhìn chung cuộc sống an toàn, bình yên là cảm giác chung nhất mà ai đến sống tại quốc gia này cũng đều cảm nhận được.
Nói vậy không có nghĩa là cho đến vụ thảm sát người ta mới nhận ra “gót chân Asin” của Na Uy. Trong những năm gần đây, tỷ lệ người nước ngoài di cư đến Na Uy khá đông, từ 61.000 người năm 2007 lên đến 552.300 người trong năm 2010, chiếm 11% dân số Na Uy. Và đến năm 2011, con số này tăng lên đến 880.000 người, chiếm 18% dân số Na Uy. Ngoài một số nước châu Âu, đa phần người nhập cư còn lại đến từ Pakistan, Iraq, Somalia và cả Việt Nam. Trước đây dư luận cũng từng cảnh báo về chủ nghĩa dân tộc cực đoan khi số người nhập cư tăng quá nhanh. Và vụ thảm sát vừa qua là một trong những phản ứng không thể đoán trước (nhưng cũng từng được cảnh báo) của những kẻ cực đoan. Từ nay trở đi, người Na Uy khó tìm lại cuộc sống thanh bình như lúc trước.
Xuân Nga