
Xu thế hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho các doanh nghiệp Việt. Theo các chuyên gia, đầu tư cho đổi mới công nghệ, sử dụng tài nguyên và năng lượng hiệu quả để tạo ưu thế cạnh tranh và góp phần bảo vệ môi trường là con đường phát triển tất yếu đối với các doanh nghiệp ở nước ta hiện nay.
Giảm nhiều chi phí cho sản xuất
Theo ông Võ Văn Út, Giám đốc Công ty Cổ phần Lương thực thực phẩm Colusa - Milikhet, trong quá trình sản xuất công ty luôn chú trọng đến các giải pháp tiết kiệm năng lượng để giảm chi phí. Cụ thể như công ty luôn thiết kế nhà xưởng sao cho tận dụng được ánh sáng tự nhiên một cách nhiều nhất, sử dụng đồng bộ bóng đèn huỳnh quang 1.2 T5 (28w)... Nhờ việc theo dõi chặt chẽ chất lượng tiêu thụ từng khu vực và có các giải pháp khắc phục kịp thời nên suất tiêu hao năng lượng tiêu thụ toàn nhà máy giảm 6% vào năm 2011 so với năm 2010 và giảm 11% vào năm 2013 so với năm 2012. Cụ thể, suất tiêu hao năng lượng trung bình của cả công ty giảm từ 0.278 TOE/tấn sản phẩm vào năm 2010 xuống còn 0.260 TOE/tấn sản phẩm vào năm 2011, đến năm 2012 giảm xuống còn 0.230 TOE/tấn sản phẩm. Với những thành tựu đạt được năm 2013 công ty được tổ chức Bureau Veritas (BVC) đánh giá và chứng nhận công ty đạt chứng nhận ISO 50001 và là một trong những doanh nghiệp đầu tiên trong cả nước đạt được chứng nhận này.
Đại diện Công ty cổ phần Nhựa Tân Phú cũng cho biết, để tồn tại và tăng khả năng cạnh tranh trong thị trường hiện nay, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả không nằm ngoài mục tiêu chiến lược của Nhựa Tân Phú. Vì vậy, công ty đã tập trung áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng một cách tích cực nhất, nên đã đạt được lợi ích kép về kinh tế và môi trường. Cụ thể, công ty đã áp dụng các giải pháp như máy ép nhựa được lắp biến tần; máy ép nhựa sử dụng động cơ servo kết hợp thủy lực. Việc đầu tư cải tạo và đổi mới công nghệ máy ép nhựa đã giúp giảm 43% suất tiêu hao năng lượng cho công ty trong năm 2013 so với năm 2012. Ngoài ra, nhựa Tân Phú cũng đã thực hiện thay thế các thiết bị chiếu sáng cũ bằng bóng đèn hiệu suất cao; đầu tư mới và thay thế dây chuyền máy móc thiết bị cũ bằng dây chuyền máy móc thiết bị thế hệ mới, hiệu suất cao; nâng cấp và cải tiến các máy cũ bằng việc lắp biến tần cho các động cơ có phụ tải thay đổi. Dự án này đã giúp công ty tiết kiệm được hơn 1,2 tỷ đồng tiền điện/năm.

Vận hành hệ thống điều khiển kiểm soát ánh sáng, nhiệt độ tránh hao phí năng lượng tại một cao ốc trên đường Nguyễn Văn Trỗi. Ảnh: CAO THĂNG
Cần chủ động
Theo Bộ Công thương, xu hướng giá năng lượng ngày càng tăng do đó chi phí năng lượng sẽ ngày càng chiếm tỷ trọng trong tổng chi phí của doanh nghiệp. Ước tính nếu giá điện năng tăng 30% thì chi phí sản xuất sẽ tăng từ 5%-20%. Nếu không áp dụng các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thì nhu cầu năng lượng của riêng ngành công nghiệp được dự báo sẽ tăng gấp 4 lần vào năm 2030.
Ông Đỗ Hữu Hào, Chủ tịch Hội KH-CN sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Bộ Công thương cho biết, trong nhiều thập kỷ qua, nhằm đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ cao, nhà nước đặc biệt chú trọng phát triển năng lượng. Việc thăm dò khai thác, sản xuất, truyền tải, phân phối các nguồn năng lượng được chú trọng đẩy mạnh. Mặc dù vậy, theo dự báo của các chuyên gia vẫn có khả năng mất cân đối về cung cầu năng lượng. Những giới hạn về trình độ công nghệ, nguồn tài chính, năng lực đầu tư… là nguyên nhân làm cho việc cung cấp năng lượng không theo kịp mức tăng của nhu cầu sử dụng năng lượng. Để hạn chế tình trạng này, giải pháp được lựa chọn là phải hạ thấp cường độ năng lượng bằng cách thay đổi cơ cấu kinh tế, thay đổi công nghệ, thay đổi cách thức quản lý và thay đổi trong lối sống dẫn đến hiệu quả sử dụng năng lượng cao hơn, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch thông qua việc tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Trong điều kiện đang xảy ra tình trạng thiếu hụt năng lượng, chưa tìm được nguồn năng lượng bổ sung và thay thế thì sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vẫn là lựa chọn chủ yếu của hầu hết các quốc gia để đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trịnh Quốc Vũ, Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương nhìn nhận, việc thiếu sự hiểu biết thấu đáo về vai trò quan trọng của quản lý năng lượng, nhiều doanh nghiệp đang e ngại không dám đầu tư chi phí ban đầu tương đối lớn để đổi mới nhằm có được trang thiết bị gắn với các công nghệ hiện đại, hiệu suất cao. Từ đó dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp vẫn còn sử dụng năng lượng ở mức cao gây làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh doanh và phát triển của doanh nghiệp. Chúng ta cần đánh giá công nghệ sử dụng năng lượng của các thiết bị sử dụng trong các cơ sở sản xuất mới, xác định khoảng cách giữa các công nghệ đang được áp dụng và công nghệ tốt nhất hiện có của thế giới và các biện pháp để khuyến khích thu hẹp khoảng cách này. Đặc trưng sử dụng năng lượng của các nhà máy công nghiệp mới sẽ là yếu tố quyết định đối với nhu cầu sử dụng năng lượng của Việt Nam trong tương lai. Điều quan trọng, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả góp phần bảo vệ môi trường sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao hình ảnh của mình trong mắt các nhà đầu tư. Từ đó sẽ tạo ra những cơ hội hợp tác lâu dài, bền vững.
MINH HẢI