Sứ mệnh của Kayo Oda

HẠNH  CHI
Sứ mệnh của Kayo Oda

Bỏ lại cuộc sống sung túc ở quê nhà, người phụ nữ Nhật nhỏ bé Kayo Oda đã chọn Sudan làm quê hương thứ hai của mình. Ở đất nước nghèo nàn, lạc hậu này, bà đang theo đuổi sứ mệnh bảo vệ người dân ở đây tránh được hiểm họa từ các bãi mìn thuộc loại nguy hiểm nhất thế giới còn sót lại. 

Con đường đến Kassala của Oda là một khúc quanh. Sinh ra ở Hiroshima, trước khi về làm việc trong Bộ Tài chính Nhật Bản (năm 2009), bà Oda đã từng là một nhà tư vấn kinh tế cho một công ty có trụ sở ở Tokyo với mức lương cao ngất. Vào đầu năm 2014, bà rời Bộ Tài chính và bắt đầu tham gia các công việc phi lợi nhuận như gia nhập Hiệp hội Viện trợ và cứu trợ Nhật Bản (AAR) hoạt động tại 15 nước trên thế giới. Với những kinh nghiệm trong thời gian du học xa nhà ở ĐH McMaster, bang Ontario (Mỹ), từng là tình nguyện viên tại một trại trẻ mồ côi ở Venezuela, 6 tháng học tiếng Hoa ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc... bà quyết định dấn thân. Sau một thời gian đi đi lại lại giữa Karachi (Pakistan) và Tokyo, bà đề nghị AAR cho bà được tham gia công tác hỗ trợ người dân ở Sudan.  

Kayo Oda gặp các học sinh tại Kassala, Sudan

Dưới cái nắng như thiêu như đốt của bang Kassala, bà thực hiện những chuyến đi bộ dọc theo những con đường không tên, chưa được trải nhựa để đến các ngôi làng hẻo lánh, gom người dân lại và tổ chức các buổi hướng dẫn họ cách tránh các bãi bom mìn, nơi hàng ngày từng cướp đi sinh mạng của người trong làng. Mỗi năm, bà chủ trì tổ chức khoảng 500 buổi hội thảo để dạy cho dân làng làm thế nào xác định được mìn chưa nổ và phải làm gì khi phát hiện chúng. Đối với trẻ con, đối tượng dễ trở thành nạn nhân bom mìn, bà hướng dẫn thông qua các tiểu phẩm. Người ta luôn thấy bà trong trang phục truyền thống của người dân Sudan, di chuyển thoăn thoắt từ nơi này đến nơi khác ở bang Kassala.

Các lớp học an toàn với bom mìn của Oda đã giúp hạn chế đáng kể số người bị thương hoặc mất mạng do mìn, cho dù chúng thiếu những tác động trực quan truyền thống của các “dự án cứng”. Theo thống kê mới nhất, nhờ những nỗ lực của Oda và nhiều người khác, gần 500.000 người dân vùng Kassala đã được tham gia các lớp học, mà chưa xảy ra tình trạng thương vong nào từ đầu năm đến nay. Habibulhaq Javed, đại diện Tổ chức hành động bom mìn LHQ ở Sudan đánh giá cao việc làm của bà Oda. Ông thừa nhận, trong khi chính phủ tập trung tháo gỡ bom mìn, thì giáo dục nguy cơ bom mìn đã giúp giảm thiểu số người bị thương hoặc thiệt mạng do bom mìn gây ra.

Bất chấp nhiều thách thức đang ở phía trước, Chính phủ Sudan và các đối tác quốc tế đang gặt hái nhiều thành công trong công việc tháo gỡ bom mìn. 24km2 ở bang Kassala đã gần như được xóa sổ bom mìn và LHQ ước tính toàn bộ vùng này sẽ được an toàn vào cuối năm 2016. Trong lúc này, Oda và đồng đội bắt đầu chương trình mới mang tên “dựa vào cộng đồng”để huấn luyện các quan chức địa phương tiếp nối công việc của AAR, sau khi tổ chức này kết thúc sứ mệnh ở đây. Với sáng kiến này, Oda hy vọng không còn bao lâu nữa, người dân địa phương và đất nước Sudan sẽ tiến tới một tương lai không còn bom mìn.

HẠNH  CHI

Tin cùng chuyên mục